Cần thiết xây dựng nghị định về sản xuất tại Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, việc thiếu quy định về cách xác định 'sản phẩm của Việt Nam' hay 'sản xuất tại Việt Nam' khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước. Do vậy, xây dựng nghị định về sản xuất tại Việt Nam là cần thiết.

Phù hợp với yêu cầu của Quốc hội

Nước ta đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Việc thiếu vắng quy định về cách xác định "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" khiến doanh nghiệp lúng túng. Ảnh minh họa: Báo Người lao động

Việc thiếu vắng quy định về cách xác định "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" khiến doanh nghiệp lúng túng. Ảnh minh họa: Báo Người lao động

Với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Chính việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, theo Bộ Công Thương.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang vướng mắc trong việc xác định xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước. Đơn cử, công ty thực hiện lắp ráp một số mặt hàng điện tử từ linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài và/hoặc mua trong nước với tỷ lệ là 90%. Trong đó, với sản phẩm ti vi, công ty thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, hiệu chỉnh phần mềm, xây dựng ứng dụng cho sản phẩm, sau đó mua linh kiện từ nhà cung cấp hoặc nhập khẩu để lắp ráp tại Việt Nam. Vậy khi các sản phẩm được bán, tiêu thụ và bảo hành tại Việt Nam, công ty cần ghi xuất xứ sản phẩm thế nào?

Hay với trường hợp công ty sản xuất đồ chơi trẻ em để bán tại thị trường Việt Nam, công đoạn cắt, may đầu tiên thực hiện tại Trung Quốc, nhà máy tại Việt Nam thực hiện tiếp các công đoạn may, khâu, đính nhãn, nhồi bông… Vậy, sản phẩm đồ chơi này có được gắn nhãn “Made in Vietnam” không? Nếu không đáp ứng để được gắn nhãn “Made in Vietnam” thì công đoạn nào trong quy trình sản xuất bắt buộc phải thực hiện tại Việt Nam? Tỷ lệ giá trị nội địa của sản phẩm đạt trên 30% thì có được ghi nhãn “Made in Vietnam” không?...

Ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc, nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử. Chưa kể, tình trạng hàng hóa nước ngoài chỉ trải qua công đoạn gia công đơn giản, đóng gói tại Việt Nam nhưng cũng dán nhãn “Made in Vietnam” rồi xuất khẩu đi nước thứ ba tiềm ẩn nguy cơ về gian lận xuất xứ…

Ngày 29.11.2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn. Trong đó, với lĩnh vực công thương có nội dung "khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam; ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng". Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng, việc ban hành Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp để tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Điều này cũng giúp môi trường kinh doanh minh bạch hơn và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Kinh nghiệm của thế giới

Hiện, Bộ Công Thương đang dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý về ghi nhãn hàng hóa, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế ngăn ngừa, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước; bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cũng như bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Dự kiến, Bộ sẽ trình Thủ tướng quyết định thông qua đề nghị xây dựng Nghị định vào tháng 11 tới; hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành vào tháng 10 năm sau.

Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung, các nước tiên tiến đều có quy định về việc xác định và ghi nhãn nước sản xuất đối với hàng hóa lưu thông trong nước và có các điểm chung.

Cụ thể, về mục tiêu quản lý, nhằm bảo hộ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng. Về phân loại cách ghi nước sản xuất theo nhóm hàng, các nước xây dựng tiêu chí đối với hai nhóm hàng chính là nhóm hàng nông nghiệp (chủ yếu là thực phẩm) và nhóm hàng công nghiệp (nhóm hàng phi nông nghiệp).

Về tiêu chí xác định, hàng hóa được ghi nhãn nước sản xuất khi đáp ứng tiêu chí là được sản xuất toàn bộ tại nước đó hoặc công đoạn cuối cùng làm biến đổi bản chất hàng hóa được sản xuất tại nước/vùng lãnh thổ đó.

Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí bổ sung cho từng sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn, quy định 5 của Thụy Sỹ đối với đồng hồ; quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len; quy định của New Zealand đối với rượu vang….

Về nguyên tắc áp dụng, hầu hết các nước cho phép áp dụng trên cơ sở tự nguyện đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi sản phẩm, hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-thiet-xay-dung-nghi-dinh-ve-san-xuat-tai-viet-nam-i384529/