Cần Thơ cân nhắc mở rộng diện tích trồng roi

Tại Cần Thơ, diện tích trồng roi (mận) ngày càng mở rộng, sản lượng tăng mạnh, song nhà vườn đang phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá. Hiện đầu ra cho quả roi, nhất là mận An Phước là vấn đề được nhiều nông dân quan tâm, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ trăn trở.

Mận (roi) An Phước hiện có giá bán tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg.

Mận (roi) An Phước hiện có giá bán tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Tám (quận Thốt Nốt) có vườn roi An Phước với gần 80 gốc. Ông cho biết, roi từng là loại trái cây mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Năng suất cao cộng thêm thời gian đầu, diện tích trồng chưa nhiều nên roi tiêu thụ dễ dàng và được giá, dao động từ 16.000 – 18.000 đồng/kg.

Theo ông Tám, nếu trước đây, ruồi đục quả là vấn đề nan giải thì giờ điều mà nhà vườn quan tâm hơn hết là đầu ra cho quả roi. Năng suất roi năm nay cao, khoảng 3 tấn/vụ/1.000m2 (2 vụ/năm) nhưng giá roi lại thấp, có thời điểm chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn khiến nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng roi phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt) chia sẻ gần 20 năm trồng roi và cũng thường gặp tình trạng vào chính vụ roi rớt giá nhưng chỉ có năm nay roi rớt giá thấp "chưa từng thấy", nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán roi chỉ có giá 3.000 đồng/kg, thương lái "chê" không mua roi kích cỡ nhỏ, chỉ mua roi đạt 9 - 10 quả/kg.

Theo ông Hoàng, từ 15.000 - 16.000 đồng/kg roi (nghịch vụ) giảm xuống còn 13.000 đồng/kg (đầu vụ), sau đó sụt xuống 9.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 5.000 đồng/kg và không biết còn xuống đến mức độ nào. Trong khi giá thành sản xuất một kg roi trung bình từ 3.000 - 5.000 đồng/kg (như vụ này sâu bệnh nhiều, chi phí đầu tư cao lên tới 5.000 đồng/kg).

Theo nhà vườn, roi bán giá khoảng 10.000 đồng/kg thì nông dân mới có lợi nhuận, bởi hiện nay sâu hại trên roi nhiều so với các năm trước do đó chi phí thuốc bảo vệ thực vật nhiều, tiền công lao động cũng tăng.

Đầu ra cho quả mận (roi) là nỗi trăn trở của người trồng và ngành chức năng ở Cần Thơ.

Đầu ra cho quả mận (roi) là nỗi trăn trở của người trồng và ngành chức năng ở Cần Thơ.

Trước tình trạng này, nhiều nông dân trồng roi mong muốn sẽ tìm ra một hướng đi bền vững cho quả roi để đảm bảo đầu ra và tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ thông tin, roi là một trong những cây trồng mà ngành nông nghiệp thành phố rất trăn trở. Dù năng suất roi cực kỳ cao, bình quân khoảng 40 – 50 tấn/ha nhưng giá trị lại khá bấp bênh.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã kết nối nhiều doanh nghiệp để xúc tiến tiêu thụ quả roi nhưng một trong những điểm khó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của quả roi.

"Hiện chưa có biện pháp hữu hiệu, an toàn để xử lý ruồi đục quả nên chất lượng quả roi bị ảnh hưởng, dư thừa thuốc bảo vệ thực vật, thiếu an toàn thực phẩm trên quả roi", Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ thông tin.

Phân loại và bao bọc quả mận (roi) trước khi đem đi tiêu thụ.

Phân loại và bao bọc quả mận (roi) trước khi đem đi tiêu thụ.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ, ngành nông nghiệp thành phố đã kiến nghị Hội Làm vườn, Hội Rau quả Việt Nam có sự quan tâm để hỗ trợ cho các vùng trọng điểm trồng roi phát triển bước đầu tiên là xuất khẩu chính ngạch ở khâu sơ chế. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ cho quả roi.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam thống kê cả nước diện tích roi không nhiều (khoảng 1,2 triệu ha diện tích trồng roi), riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có gần 600.000ha. Mặc dù, sản lượng roi cả nước mỗi năm tương đương thanh long, cam sành với hơn 1,4 triệu tấn nhưng hiện vẫn chưa đàm phán để xuất khẩu được. Roi không nằm trong danh mục 16 loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam vì chi phí bảo quản cao hơn bán tươi trong nước.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết quả mận (roi) gặp nhiều sâu bệnh nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để phòng trừ.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết quả mận (roi) gặp nhiều sâu bệnh nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để phòng trừ.

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, loại trái cây nào cũng có lúc sẽ rơi vào tình trạng "được mùa rớt giá". Vì vậy, ông Tùng khuyến nghị các địa phương, nông dân giữ mức độ năng suất vừa phải và tập trung nâng cao chất lượng, độ an toàn thực phẩm tốt hơn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Cần Thơ, roi là cây trồng có lợi thế nhưng còn khó khi thị phần xuất khẩu quả roi không đáng kể, tiềm năng xuất khẩu không lớn. Do đó, các địa phương không nên chủ trương mở rộng diện tích trồng mận.

Cần Thơ hiện có trên 1.900 ha trồng roi (roi An Phước, roi hồng đào đá,...); trong đó, 75% diện tích tập trung tại quận Thốt Nốt với diện tích cho trái trên 1.700 ha, sản lượng thu hoạch gần 26.000 tấn/năm. Cù lao Tân Lộc được ví là "xứ roi" ở Thốt Nốt với 90% diện tích vườn trồng roi.

Thu hoạch mận (roi) An Phước ở nhà vườn Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt.

Thu hoạch mận (roi) An Phước ở nhà vườn Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt.

Không chỉ vì giá roi sụt giảm liên tục mà vấn đề nan giải hiện nay của nhà vườn ở ở Cù lao này chính là sâu bệnh. Mận bị dòi, sâu đỏ, ong vàng tấn công liên tục. Mặc dù, đã cho roi "ngủ màn", dùng bẫy bắt ong vàng nhưng vẫn không ngăn chặn được ruồi đục quả, ong vàng tấn công,... và nông dân phải xử lý bằng cách phun xịt thuốc bảo vệ thực vật.

Chính vì trồng roi nhiều rủi ro (thời tiết, sâu bệnh), không đem lại hiệu quả kinh tế nên nhiều nhà vườn giảm dần diện tích roi, chuyển sang trồng các loại cây khác như: bưởi da xanh, nhãn, sầu riêng...

Bài, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/can-tho-can-nhac-mo-rong-dien-tich-trong-roi-20250511102653713.htm