Cần Thơ đề xuất kết nối đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đầu tư đường cao tốc trên cao

Một loạt dự án động lực đang được Cần Thơ đề xuất gồm Dự án kết nối đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao, cầu Ô Môn, Cảng cargo logistics hàng không…

Tại Diễn đàn “Triển vọng Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng - Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã đề xuất thực hiện một loạt các dự án tạo tiền đề, đòn bẩy thúc đẩy phát triển TP. Cần Thơ cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đề xuất thực hiện một loạt dự án đòn bẩy thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đề xuất thực hiện một loạt dự án đòn bẩy thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm phối hợp hỗ trợ hướng dẫn Thành phố thực hiện rốt ráo thủ tục thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, để Thành phố tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm sớm mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực kết hợp xây dựng thêm Cảng cargo logistics phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết để Thành phố làm cơ sở quy hoạch “thành phố sân bay” với quy mô diện tích khoảng 10.000 ha.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư xây dựng phát triển Cảng biển quốc tế tại TP. Cần Thơ phù hợp theo quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia và hỗ trợ hướng dẫn quy trình, tiêu chí xây dựng Trung tâm logistics vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề xuất cho phép xây dựng Dự án “Kết nối đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao” vì hiện tại ĐBSCL chỉ có trục chính quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều. Đặc biệt, ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nên việc xây dựng đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết.

“Đề nghị Bộ Xây dựng ghi nhận đề xuất này của TP. Cần Thơ để tổng hợp trình Chính phủ cho chủ trương”, ông Trần Việt Trường nói.

Kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng tuyến đường kết nối TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với quận Ô Môn, TP. Cần Thơ và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, trong đó có cầu Ô Môn là hạng mục quan trọng nhằm đồng bộ toàn tuyến. Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng mang tính kết nối liên vùng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch vùng ĐBSCL tại Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022.

Vừa qua, Thành phố đã làm việc, đàm phán với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA để tài trợ vốn ODA thực hiện dự án cầu Ô Môn và Thành phố đã đề xuất dự án này được tham gia vào chương trình DPO hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trường hợp không thể cân đối đủ nguồn từ chương trình DPO, Thành phố đề xuất thực hiện đầu tư theo phương thức hợp tác công tư PPP nhằm sớm thực hiện đồng bộ hạ tầng giao thông quan trọng này của Vùng. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm chấp thuận.

Trúc Giang

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-tho-de-xuat-ket-noi-duong-sat-tphcm---can-tho-dau-tu-duong-cao-toc-tren-cao-d191692.html