Cần Thơ mới, trái tim miền Tây - Bài 2: Định hình vai trò trung tâm vùng Mekong
Sau sáp nhập, Cần Thơ định hình vai trò trung tâm vùng Mekong, phát triển kinh tế xanh - công nghệ cao, dẫn dắt hội nhập quốc tế và chuyển đổi số toàn diện.
Bước chuyển mình chiến lược trong thời kỳ hội nhập
Việc sáp nhập TP. Cần Thơ với tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang không chỉ tạo nên một đơn vị hành chính có quy mô lớn mà còn đánh dấu bước ngoặt chiến lược trong định hướng phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ một trung tâm đô thị ven sông, Cần Thơ đang dần định vị lại vai trò, trở thành đầu tàu đổi mới sáng tạo, trung tâm tích hợp các nguồn lực khoa học - công nghệ, logistics, giáo dục và kinh tế xanh, dẫn dắt cả vùng hạ lưu Mekong hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu.

Sau sáp nhập, Cần Thơ trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nhật Huy
Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, thành phố Cần Thơ mới trên cơ sở sáp nhập tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng đã hình thành một đơn vị hành chính lớn hơn, mở ra không gian phát triển mới với tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.
“Không gian rộng lớn là cơ hội, lợi thế hiếm có,nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp. Chính vì vậy ngay từ bây giờ doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, cùng đó xây dựng kế hoạch kinh phí, nhân lực, định hướng thị trường một cách rõ ràng, chủ động bám sát tình hình và liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng để cập nhật thông tin diễn biến thị trường. Đồng thời, cần tăng cường kết nối để gia tăng liên kết vùng ở thị trường trong nước và hệ thống phân phối ở nước ngoài”. Ông Hà Vũ Sơn chia sẻ.

Nhiều sản phẩm đặc sản địa phương được mở rộng thị trường khi sáp nhập tỉnh.
Bà Trương Hồng Mỹ, Công ty TNHH Bánh pía, lạp xưởng Hải Sơn (xã Hồ Đắc Kiện, TP. Cần Thơ) chia sẻ: "TP. Cần Thơ mới đã mở ra không gian rộng lớn, là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường. Hiện chúng tôi đã ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để đảm bảo môi trường sản xuất xanh, sạch, an toàn đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của thị trường, tính liên tục của đầu ra sản phẩm. Mục tiêu tiếp cận với không chỉ các doanh nghiệp phân phối trong nước mà còn có thể đưa vào các chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp lớn như: AEON, Walmart, Lotte… trên toàn cầu".
Với việc sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy, cùng địa hình đa dạng và tài nguyên phong phú, Cần Thơ sau sáp nhập sẽ có một không gian phát triển chiến lược cả về nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, logistics - bến cảng trọng điểm, khu công nghiệp chuyên sâu tầm quốc tế và du lịch sinh thái xanh...
Đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, logistics và kinh tế xanh
TP. Cần Thơ đang nổi lên như một ứng viên tiềm năng cho vị trí trung tâm logistics cấp vùng, đặc biệt sau khi trở thành đầu mối hành lang giao thương của Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ không chỉ có lợi thế về vị trí nằm giữa trục nối dài từ biên giới Campuchia đến Biển Đông, mà Cần Thơ còn có mạng lưới hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ từ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cảng Cái Cui đến cảng biển Trần Để đang được đầu tư xây dựng.

Cựu chiến binh Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh. (Ảnh: Tập đoàn Mai Linh)
Hiện nay, hơn 70% logistics tại miền Tây vẫn là vận chuyển rời rạc, phi chuẩn hóa, phụ thuộc bên trung gian, khiến chi phí tăng cao và chất lượng giảm sút. Sự có mặt của các doanh nghiệp lớn đang đòi hỏi vùng phải có mô hình logistics chuyên nghiệp: Từ kho ngoại quan, kiểm định, truy xuất nguồn gốc cho tới hệ thống tài chính - bảo hiểm phục vụ chuỗi xuất khẩu. Cần Thơ nếu được trao quyền như một “vùng kinh tế đặc biệt về logistics”, không chỉ đủ sức đáp ứng, mà còn có thể trở thành hình mẫu thủ phủ hậu cần quốc gia về nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh.
Cựu chiến binh Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương rằng, chính quyền 2 cấp không chỉ là cuộc cải cách mang tính thể chế của hệ thống chính trị, mà còn là cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nói chung, nhất là những doanh nghiệp lớn, hoạt động trên địa bàn cả nước tiến hành cải cách, tái cấu trúc hệ thống tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động; tạo cú hích, động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp chuyển mình, phát triển theo hướng số hóa, xanh hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Có thể nói, đây là cơ hội rất thuận lợi để các doanh nghiệp nghiên cứu chuyển đổi mô hình, mở ra không gian lớn để tái cấu trúc nội bộ, tinh gọn tổ chức, đầu tư vào nền tảng công nghệ số, chuyển đổi xanh và tối ưu hóa chi phí vận hành. Những yếu tố này sẽ là lợi thế quan trọng giúp doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung tăng tốc, khai thác triệt để tiềm năng từ các thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Ông Huy nhận định.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Văn Lâu kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Ảnh: Quang Bình
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Cần Thơ và các địa phương lân cận đang hướng đến phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn. Nhiều hợp tác xã tiêu biểu như ODA đã và đang ứng dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch, chế biến sâu và sử dụng năng lượng tái tạo. Việc áp dụng chung một hệ thống chính sách sau sáp nhập sẽ giúp các đơn vị sản xuất mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa các ưu đãi đầu tư. Thành phố đang nhân rộng các mô hình này và từng bước áp dụng hệ thống chính sách đồng nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp OCOP, hợp tác xã, start-up địa phương mở rộng quy mô, tiếp cận thị trường lớn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Cần Thơ mới sẽ là cơ hội để phát triển du lịch sinh thái quốc tế, một lĩnh vực có tiềm năng lớn trong bối cảnh nhu cầu du lịch xanh, du lịch cộng đồng đang tăng cao. Với hệ thống sông ngòi, miệt vườn đặc trưng, kết hợp với biển và văn hóa bản địa phong phú, Cần Thơ có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, nếu có chiến lược quảng bá bài bản và đầu tư hạ tầng du lịch bền vững.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay có hàng loạt dự án trọng điểm của vùng, của quốc gia đang dần được hoàn thành ở Đồng bằng sông Cửu Long, nổi bật nhất là cảng biển nước sâu Trần Đề được quy hoạch trở thành cảng biển đặc biệt, đóng vai trò cửa ngõ xuất nhập khẩu cho vùng Tây Nam bộ. Với diện tích khoảng 550 ha và cầu cảng vượt biển dài 16 km, cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DWT; tàu tổng hợp, container trọng tải 100.000 DWT hoặc tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT ngoài khơi cửa Trần Đề, cảng Trần Đề hứa hén cảng biển lớn nhất khu vực, góp phần giảm tải hệ thống logictics cho TP. Hồ Chí Minh.
“Bên cạnh đó, Cần Thơ có đường bờ biển dài 72 km cùng cảng Cái Cui và các cửa sông lớn như Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh hứa hẹn tạo động lực phát triển giao thông vận tải, tháo gỡ "điểm nghẽn" về logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ không chỉ hướng tới trở thành trung tâm tích hợp đa chức năng, nơi hội tụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và giao thương quốc tế, mà còn mang trọng trách là vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu cho cả khu vực”. Ông Lâu chia sẻ.
Các chuyên gia nhận định, để nâng tầm vai trò trung tâm kinh tế vùng, Cần Thơ cần tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế theo hướng minh bạch, thuận lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chủ động tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, nhất là dòng vốn FDI chất lượng cao. Đồng thời, thành phố cần gia tăng vị thế trong các liên kết vùng và chuỗi cung ứng toàn cầu.