Cần Thơ sẽ làm cầu vượt tại 2 nút giao phức tạp, ùn tắc
Trước mắt tại 2 nút giao, với phương án cầu vượt và kiến trúc cảnh quan đẹp, được xem là phương án tối ưu để giải quyết ùn tắc ở Cần Thơ.
5 nút giao thường xuyên ùn tắc
Sáng 8/7, kỳ họp thứ 6, HĐND TP Cần Thơ tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề cải thiện hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng kẹt xe; ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện nay, lưu lượng phương tiện giao thông trên địa bàn gia tăng nhanh, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông của TP và áp lực chủ yếu tập trung tại quận Ninh Kiều.
Để hạn chế ùn tắc giao thông, Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan tháo dỡ vòng xoay không hiệu quả, bố trí lại dải phân cách, phân lại làn đường cho phù hợp; Phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra Sở điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.
Ngoài ra, “Cấm các phương tiện tải trọng lớn, xe container lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh” nhằm giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm".
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ - Nguyễn Hoàng Tùng nhìn nhận, các giải pháp chỉ mang tính giải quyết tạm thời, chưa đáp ứng yêu cầu, nguy cơ ùn tắc giao thông vẫn sẽ tiếp diễn vào khung giờ cao điểm, sự kiện, lễ hội và triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập.
Đặc biệt, trên địa bàn TP hiện có 5 nút giao trọng điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, gồm: nút giao Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo; Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt; Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ; Nguyễn Văn Linh - 3/2 và Nguyễn Văn Linh - 30/4.
Hiện tại, 5 nút giao thông này suốt thời gian qua đã trở nên quá chật hẹp so với lượng người và phương tiện lưu thông dày đặc. Mỗi ngày vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, trở thành “điểm nóng” ùn tắc giao thông.
Sẽ sớm cải tạo các nút giao
Đến nay, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND TP trình HĐND chủ trương đầu tư cải tạo 5 nút giao nói trên và được HĐND TP thống nhất chủ trương tại Nghị quyết số 65 ngày 8/12/2021, với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng để thực hiện đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025.
Dự án được UBND TP giao UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư, đã đăng ký vốn chuẩn bị đầu tư, trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp lần này. Qua đó làm cơ sở để chủ đầu tư tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Dự kiến, chủ đầu tư sẽ trình UBND TP phê duyệt dự án vào quý 4 năm nay, để đăng ký vốn thực hiện đầu tư, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025.
Thành phần công việc của dự án trong giai đoạn 1 sẽ tập trung vào công tác GPMB tại các nút giao, xây dựng tiểu đảo, mở rộng bán kính cong nút giao tại các vị trí nhánh rẽ của nút.
Theo kết quả dự báo nhu cầu giao thông cho thấy, để đảm bảo khả năng thông hành của các nút giao lâu dài; cần thiết phải đầu tư hoàn chỉnh nút giao khác mức (tách luồng giao thông đi thẳng ra khỏi phạm vi nút giao).
Trước mắt là xử lý tại 2 nút giao: Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Linh - 3/2 với phương án cầu vượt và kiến trúc cảnh quan đẹp là phương án tối ưu. Vừa giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, vừa tạo điểm nhấn cảnh quan trong khu vực, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của TP. Các nút giao còn lại sẽ tiếp tục được nghiên cứu về đề xuất trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện tại, UBND TP đã giao Sở GTVT thực hiện chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 của dự án để xây dựng cầu vượt khác mức tại 2 nút giao nêu trên. Báo cáo đã được thông qua Ban Cán sự Đảng UBND TP vào tháng 6 vừa qua; và Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng đã thông qua phương án đầu tư giai đoạn 2, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Vừa qua, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản, thống nhất chủ trương, giao UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư dự án này. 5 nút giao thông bao gồm: nút giao Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo; Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt; Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ; Nguyễn Văn Linh - 3/2 và Nguyễn Văn Linh - 30/4.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư bằng cách mở rộng nút giao cùng mức, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập. Trong tương lai xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, qua khái toán sơ bộ chi phí đầu tư và tổng hợp kinh phí giải phóng mặt bằng, dự án sẽ đền bù đất ở và đền bù tài sản gắn liền với đất là hơn 28.900 m2, tổng chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư là hơn 985 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và chi phí khác.