Cần Thơ - thành phố 'mưa là ngập': Vấn đề quy hoạch hay số phận địa lý?
Gần 1 tháng trước, khi bàn về việc quy hoạch phát triển đô thị, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Văn Lâu nêu ý tưởng sẽ thưởng 50 triệu đồng cho ai hiến kế khả thi về giải pháp chống ngập cho TP.Cần Thơ - bài toán nan giải của thành phố trong nhiều năm qua.
Trên mạng xã hội xôn xao các bàn luận và hiến kế, có người đề nghị lập hệ thống thu gom nước mưa, có người dí dỏm hơn đề nghị mỗi nhà mua nhiều lu chứa nước mưa như đề xuất của một đại biểu ở TP.HCM… Tuy nhiên, vấn đề chống ngập ở Cần Thơ cần một cách nhìn tổng quát hơn về lịch sử và thực tế của thành phố này.

TP.Cần Thơ mưa là ngập - Ảnh: Trung Phạm
Đô thị phát triển trăm năm
Xung quanh vấn đề “Cần Thơ - mưa là ngập”, PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí cho rằng nguyên nhân chính là quy hoạch. Quy hoạch TP.Cần Thơ có từ lâu nhưng nay phát triển đô thị cùng nhiều công trình không đồng bộ. Biến đổi khí hậu, mưa nhiều cũng là nguyên nhân góp phần khiến TP mưa là ngập.
Đây là đô thị được người Pháp quy hoạch hơn 100 năm trước, dành cho vài chục ngàn dân. Hệ thống đường sá, cấp thoát nước cũng chỉ phục vụ quy mô đó. Qua hơn 100 năm, TP.Cần Thơ đã mở rộng về phía Tây, Bắc, Nam với hàng trăm ngàn dân. Nhà cửa, đường sá tiếp tục “mọc” lan ra vùng ven, trong khi hạ tầng không hoàn chỉnh.

Khu đô thị mới nam Cần Thơ mùa mưa - Ảnh: Văn Kim Khanh
Về vị trí địa lý, TP.Cần Thơ nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, nơi sông đổ ra biển Đông, khiến thành phố dễ bị ảnh hưởng bởi lũ từ thượng nguồn và triều cường. Cần Thơ có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, vừa thuận tiện giao thông, nông nghiệp, vừa khiến thành phố dễ ngập sâu khi mưa lớn kết hợp triều cường. Đặc biệt, nhiều sông rạch nội ô trước kia gần như bị san lấp. Các rạch như Đầu Sấu, Ngỗng, Tham Tướng, Bần… nay hầu hết đã lấp. Các con rạch đi ngang cầu số 1, cầu số 2 cũng không còn.
Ngay cả khu đô thị Nam Cần Thơ, nơi được quy hoạch mới, vẫn mưa là ngập do hạ tầng không đồng bộ, nhiều lô đất chưa có chủ đầu tư, chưa đền bù thi công. Nhiều kênh rạch khu này bị bồi lấp, như rạch Cái Tắc, Ngọn Chùa, Ba Gừa, Bà Tiền.
Độ cao TP.Cần Thơ vốn thấp, cộng với tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm, giếng khoan và biến đổi khí hậu càng khiến thành phố dễ ngập.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất, cường độ mưa, dẫn đến ngập sâu không chỉ Cần Thơ mà nhiều đô thị khác ở ĐBSCL.
Theo PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, giải pháp hạn chế thấp nhất tình trạng mưa là ngập hiện nay là duy tu hệ thống thoát nước; đầu tư cải tạo đồng bộ; xử lý nước ngầm, nước mặt; đồng thời hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu.
Bê tông hóa và phát triển không đồng bộ
ThS Nguyễn Hữu Thiện thì cho rằng, ngập đô thị ở ĐBSCL, đặc biệt là tại Cần Thơ, không còn là chuyện xa lạ đối với người dân. Những trận mưa không quá lớn nhưng vẫn khiến phố phường ngập sâu, giao thông tê liệt, sinh hoạt đảo lộn. Có khi nước thủy triều dâng cao tràn vào nội ô, làm cho cuộc sống trở nên "lõm bõm" đúng nghĩa. Đây không chỉ là vấn đề thiên nhiên, mà là hậu quả của quy hoạch, phát triển đô thị và canh tác nông nghiệp trong nhiều thập kỷ qua.
ThS Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra những nguyên nhân như: “Mật độ xây dựng quá cao, làm mất khả năng thấm nước xuống đất. Chỉ một trận mưa nhỏ, nước từ các mái nhà đổ xuống mặt đất đã bị bê tông hóa, chảy tràn ra đường gây ngập nhanh”.
Hệ thống thoát nước yếu kém, không đủ sức tải kịp lượng mưa dù nhỏ. TP.Cần Thơ từng bị ngập giữa mùa khô vì những trận mưa trái mùa, dù lúc đó nước sông Hậu cạn kiệt.
Nhiều kênh rạch bị san lấp, thu hẹp, hoặc ô nhiễm nặng do rác, không còn khả năng thoát nước. Một số cống dọc theo hệ thống bờ kè ngăn thủy triều có khẩu độ quá nhỏ, nước không thông, gây tác dụng ngược khi có mưa.
Từ chuyện nước đến chiến lược phát triển
ThS Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ, ngập không còn là vấn đề kỹ thuật đơn thuần. Nó là lời nhắc về cách ta phát triển vùng, về định hướng nông nghiệp, về quy hoạch đô thị. Nếu ngập do mưa phản ánh sự quá tải của hạ tầng nội ô, thì ngập do triều cường là biểu hiện của cách tổ chức không gian nước thiếu sinh thái.
Ông cho rằng, chìa khóa để cứu các đô thị lại nằm trong tay ngành nông nghiệp, do đó cần phải có sự phát triển có điều phối vì lợi ích chung.
Muốn giải quyết triệt để vấn đề này, cần thay đổi tư duy “sống cùng nước” thay vì “chống lại nước”. Tận dụng tài nguyên thủy hệ, không chỉ để chống ngập mà để tạo bản sắc, thúc đẩy kinh tế, nuôi dưỡng tinh thần sống khỏe. Nếu Cần Thơ và các đô thị vùng giữa ĐBSCL biết tận dụng hệ thống kênh rạch nội ô làm nền tảng cho quy hoạch sinh thái đô thị, thì không chỉ ngập lụt được giảm mà cả giá trị sống của người dân sẽ được nâng cao.

Nút giao IC3 nam cần Thơ trước khi nâng cấp đường - Ảnh: V.K.K.
Một đô thị xanh, sạch, sống động, có kênh rạch sinh thái, chim hót ven bờ, người dân thư thái mỗi ngày, sẽ khác xa hình ảnh thành phố ngập nước, còi xe hú vang khắp nơi. Và đó là hình ảnh mà toàn vùng ĐBSCL xứng đáng đạt được nếu chúng ta xem trọng các con rạch nội ô.