Cần Thơ thông qua quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050
Sáng 20/10, HĐND thành phố Cần Thơ khai mạc Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) để xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền. Trong số các nội dung được thông qua tại kỳ họp có Nghị quyết Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch TP. Cần Thơ gồm toàn bộ thành phố với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.440 km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện.
Mục tiêu đề ra đến năm 2030, Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là thành phố sinh thái, thông minh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL. Cần Thơ cũng sẽ là trung tâm đô thị vùng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng ĐBSCL; là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu…
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 220 triệu đồng.
Đến năm 2050, Cần Thơ là vùng sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á; trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam; là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao...
3 vùng phát triển - 5 trục động lực kinh tế
Về phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ hình thành 3 vùng phát triển.
Vùng thứ nhất gồm quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thị xã) và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai, định hướng là vùng đô thị.
Khu vực này tập trung phát triển mật độ cao, nhất là bên trong lộ Vòng cung, tạo thành một đô thị trung tâm cấp vùng đa năng, sầm uất, với những công năng dịch vụ như y tế, giáo dục đào tạo, thương mại, văn hóa thể thao nghệ thuật, năng lượng, logistics… Phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ và sự tích hợp của các công năng. Vùng này sẽ là khu vực chính để Cần Thơ trở thành trung tâm, động lực phát triển của vùng ĐBSCL.
Vùng thứ 2 gồm phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, định hướng là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía bắc. Các tiểu vùng trong vùng này có những quan hệ chủ yếu với các tỉnh khác qua cấu trúc liên kết vùng, với những kết nối cao tốc, đường thủy, với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng thương mại, dịch vụ, logistics.
Vùng thứ 3 gồm một phần các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng phía tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, sẽ là vùng bổ sung những hình thức sinh kế mới như chuyển đổi từ lúa sang cây trồng, vật nuôi phù hợp giá trị kinh tế, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại, để tăng thêm nguồn sinh kế cho người dân.
Về 5 trục động lực kinh tế gồm: 2 trục ngang, 3 trục dọc. 2 trục ngang bao gồm tuyến phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, trong đó phía đông chủ yếu phát triển thêm về công nghiệp, phía tây phát triển thêm du lịch sinh thái, đô thị và tuyến hành lang kinh tế hiện hữu phía Tây sông Hậu (trục quốc lộ 91, đường vành đai phía Tây, đường 920D).
3 trục dọc bao gồm: dọc theo tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng thiên về phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp, tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng ĐBSCL.
Xây dựng các cảng đường thủy nội địa
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa lớn quan trọng của thành phố và nạo vét, duy tu, mở rộng các đường thủy nội địa còn lại để tăng cường vai trò vận tải thủy trên địa bàn các quận, huyện.
Xây dựng các cảng thủy nội địa hàng hóa lớn, trọng điểm trên sông Hậu, kênh Xà No, kênh Cái Sắn, sông Ô Môn, kênh Thị Đội – Ô Môn; xây dựng các cảng thủy nội địa hành khách lớn, trọng điểm trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác.
Về đường sắt, định hướng xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo các trục đường Vành đai phía Tây thành phố, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B, Quốc lộ Nam Sông Hậu…; phát triển tuyến xe điện trên mặt đất trên các tuyến đường đô thị khi đủ điều kiện cho phép.
Trước đó, tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, các đại biểu HĐND thành phố chưa thông qua Nghị quyết quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do còn nhiều nội dung chưa hoàn chỉnh, cần chỉnh sửa, bổ sung.