Cần Thơ: Thông xe kỹ thuật cầu Trần Hoàng Na nối quận Ninh Kiều và quận Cái Răng
Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, có tổng vốn đầu tư 791 tỷ đồng, được thiết kế có dạng cầu vòm chạy giữa, với tổng chiều dài 586,9m, vận tốc thiết kế 60km/h.
Sáng 30/12, Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ tổ chức lễ thông xe kỹ thuật công trình cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối quận Ninh Kiều và quận Cái Răng.
Cầu Trần Hoàng Na thuộc dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Đây là cầu thứ 4 vượt sông Cần Thơ nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng.
Cầu được thiết kế có dạng cầu vòm chạy giữa, gồm ba nhịp kết cấu theo 49+150+49 m với tổng chiều dài 586,9m, vận tốc thiết kế 60 km/h. Tổng vốn đầu tư dự án là 791 tỷ đồng.
Chiều rộng phía bờ Ninh Kiều là 37m, phía Cái Răng là 23m. Bề rộng cầu tại nhịp chính là 23m, nhịp biên là 29,3m, tại sàn vọng cảnh là 34,6m. Tổng chiều dài bao gồm đường dẫn là 820 m. Độ cao thông thuyền là 7m, tĩnh không hai bên bờ là 4,75m.
Tại lễ thông xe kỹ thuật, ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA cho biết, đường Trần Hoàng Na song song với đường Nguyễn Văn Linh vốn thường xuyên bị ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Việc cầu Trần Hoàng Na hoàn thành có ý nghĩa quan trọng giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho đường Nguyễn Văn Linh, kết nối quận Ninh Kiều với khu đô thị Nam Cần Thơ, bến xe khách trung tâm ở quận Cái Răng.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, khẳng định, những năm qua, thành phố đã quy hoạch, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Đối với hạ tầng giao thông, trong nhiệm kỳ 2021-2025, thành phố đã dành 47% nguồn vốn đầu tư công do thành phố quản lý để thực hiện. Thành phố cũng tranh thủ các nguồn vốn để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có cầu Trần Hoàng Na sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Đây là công trình trọng điểm đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai quận Cái Răng và Ninh Kiều. Công trình hoàn thành còn là dịp để chào mừng 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương.
"Việc đưa cầu Trần Hoàng Na vào khai thác, sử dụng góp phần xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 59 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết.
Ông Võ Kim Tư, cư dân phường An Hòa, quận Ninh Kiều chia sẻ khi biết tin sáng 30/12 cầu Trần Hoàng Na thông xe, từ sáng sớm ông đã đến chờ đợi để được tham quan cầu. Theo ông Tư, có thêm cầu Trần Hoàng Na sẽ giúp việc đi lại của người dân hai bờ Ninh Kiều và Cái Răng dễ dàng hơn, giao thương, kết nối giữa 2 quận cũng sẽ thuận tiện hơn. Từ đó, giúp kinh tế-xã hội thành phố ngày càng phát triển.
Cầu Trần Hoàng Na nằm giữa các cầu Hưng Lợi và cầu Cái Răng. Trước khi cầu Trần Hoàng Na thông xe, thành phố Cần Thơ đã có 3 cây cầu bắc qua sông Cần Thơ nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng, thông ra Quốc lộ 1A gồm cầu Quang Trung, cầu Hưng Lợi và cầu Cái Răng; trong đó, nút giao IC3 kết nối với 2 cây cầu Quang Trung và Hưng Lợi thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm.
Do đó, khi cầu Trần Hoàng Na Cầu hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tốt nhiệm vụ kết nối giao thông đô thị giữa Quốc lộ 1A và các tuyến đường trung tâm của thành phố Cần Thơ.
Đồng thời, góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị thành phố Cần Thơ, mở ra cơ hội cho ngành du lịch, thương mại, dịch vụ tăng tốc, bứt phá trong tương lai, cũng như cơ hội để cải thiện kiến trúc các công trình cầu vượt sông, tạo điểm nhấn cho cảnh quan, thu hút khách du lịch khi đến với Cần Thơ, đặc biệt là du khách tham quan trên sông./.