Cần thống nhất khái niệm, thuật ngữ giữa các bộ SGK, tránh hoang mang cho GV, HS
Chuyên gia cho rằng, việc thống nhất các khái niệm, thuật ngữ trong SGK Ngữ văn mới như 'thơ Đường luật' hay 'thơ luật Đường', thế nào là 'cốt truyện đa tuyến'...? giữa các bộ sách để tránh hoang mang cho giáo viên và học sinh khi sử dụng nhiều bộ sách khác nhau là rất cần thiết.
Hôm nay (19/1), ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc gia “Chương trình giáo dục Ngữ văn 2018 và sách giáo khoa Ngữ văn. Thực tiễn dạy học môn học và những vấn đề đặt ra trong đào tạo".
Tình trạng văn mẫu từng bước được hạn chế
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Dương Tuấn Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để thực hiện mục tiêu đổi mới, chương trình Ngữ văn 2018 được cấu trúc thành các mạch và có tính mở. Các mạch chính của chương trình tương ứng với các hoạt động giao tiếp là đọc, viết, nói và nghe, được thực hiện xuyên suốt cả 3 bậc học (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông). Các mạch nhất quán là một ưu điểm lớn khi so sánh với Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2006.
Tính chất mở của chương trình Ngữ văn 2018 thể hiện ở chỗ chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; một số kiến thức cốt lõi về tiếng Việt (gồm cả kiểu loại văn bản) và văn học, một số văn bản bắt buộc và bắt buộc lựa chọn. Tính chất mở của chương trình thể hiện rõ nét nhất là mở về ngữ liệu. Chỉ có 6 tác phẩm được chương trình quy định tất cả các bộ sách đều phải có: Sông núi nước Nam (Thời Lí), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, các bộ sách cũng cần phải bao quát một số tác phẩm thuộc văn học dân gian như truyện cổ, ca dao, sử thi, truyện thơ của các dân tộc thiểu số của Việt Nam, chèo hoặc tuồng; ít nhất 1 tác phẩm của một trong số các nhà văn lớn của dân tộc.
Có 3 tác gia phải được dạy trong chương trình là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Chương trình cũng quy định, cần có ít nhất một tác phẩm của một trong những nền văn học lớn của thế giới: Anh, Pháp, Mĩ, Hy Lạp, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, chương trình có một phụ lục gợi ý những văn bản cụ thể.
Tuy nhiên, các bộ sách giáo khoa chỉ cần tuân thủ quy định đối với nhóm văn bản bắt buộc, còn nhóm văn bản bắt buộc lựa chọn thì có thể chọn bất kì văn bản nào miễn là thuộc nhóm thể loại, tác giả hoặc nền văn học như đã nói trên.
Tính chất mở này đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, nhà trường có thể lựa chọn bộ sách thích hợp cho mình, đồng thời tạo đông lực để học sinh phải phát triển năng được lực ngôn ngữ và văn học đủ để đối diện với các văn bản chưa từng được học trong nhà trường, kích thích sự chủ động và sáng tạo của học sinh. Từ đó, tình trạng học tủ, văn mẫu như trước đây từng bước bị đẩy lùi.
Qua thực tế quan sát việc triển khai chương trình môn Ngữ văn 2018, cùng lắng nghe phản hồi từ giáo viên và học sinh, PGS.TS Dương Tuấn Anh đánh giá, chương trình có nhiều ưu điểm so với chương trình trước đây (2006). Nội dung, thời lượng, yêu cầu về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của chương trình Ngữ văn 2018 phù hợp với mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Môn Ngữ văn không đòi hỏi quá nhiều trang bị cơ sở vật chất, kĩ thuật, mà chủ yếu đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có năng lực tốt để có thể thích ứng với giáo dục hiện đại. Về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chương trình môn học/hoạt động giáo dục đối với lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đến năm học 2022-2023, việc triển khai đánh giá năng lực cơ bản đã ổn định, giáo viên đã có thể thích ứng, biết các bước xây dựng một đề kiểm tra định kì. Tình trạng “văn mẫu” đã từng bước bị đẩy lùi, kích thích năng lực thích ứng, sáng tạo, liên hệ với thực tiễn của học sinh.
Chưa đồng nhất khái niệm, thuật ngữ giữa các bộ sách
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Dương Tuấn Anh, mục tiêu của môn Ngữ văn trong chương trình GDPT 2018 là hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính. Từ đó góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Tuy nhiên, chương trình lại chưa xác định được các yêu cầu cụ thể trong việc phát triển các phầm chất và năng lực chung trên theo các mức độ phù hợp với môn học như đã nêu trong chương trình Ngữ văn 2018. Điều này gây khó khăn cho người dạy trong việc gắn kết các mục tiêu phát triển phẩm, năng lực chung với nội dung dạy học một cách thống nhất theo từng cấp, lớp.
“Đặc biệt là vấn đề làm thế nào để tác giả viết được sách giáo khoa và giáo viên đánh giá được mức độ năng lực đạt được của học sinh tương ứng với nội dung cụ thể. Để giải quyết vấn đề này, chương trình Ngữ văn 2018 cần phải có một ma trận thể hiện được mối quan hệ giữa các đơn vị kiến thức cụ thể với mức đạt được của năng lực qua các chỉ số hành vi cụ thể.
Khi có ma trận này, tác giả sách giáo khoa và giáo viên mới có thể lựa chọn được nội dung cũng như cách trình bày thông qua các hoạt động biểu đạt bằng chỉ số hành vi khi biên soạn sách giáo khoa và dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh.
Việc xác định chỉ số hành vi hiện đang do tác giả sách giáo khoa tự quy ước, nên sẽ không có sự thống nhất giữa các bộ sách, không chỉ tạo tâm lí so sánh “bộ sách này dễ, bộ sách kia khó” trong giáo viên và học sinh, mà còn tạo ra sự chênh lệch về chuẩn đầu ra đối với học sinh khi học các bộ sách khác nhau ở cùng một trình độ lớp, cấp học. Việc xác định mức độ biểu đạt của chỉ số hành vi không chỉ thể hiện năng lực của học sinh về chỉ số IQ mà còn biểu thị năng lực ở những chỉ số cảm xúc EQ, chỉ số sáng tạo CQ, chỉ số vượt khó AQ”, PGS.TS Dương Tuấn Anh nhấn mạnh.
Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện chương trình Ngữ văn mới trong thực tế dạy học đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Với tác giả sách giáo khoa, việc thống nhất các khái niệm, thuật ngữ như “thơ Đường luật” hay “thơ luật Đường”, thế nào là “cốt truyện đa tuyến”...? giữa các bộ sách giáo khoa để tránh hoang mang cho giáo viên và học sinh khi sử dụng nhiều bộ sách khác nhau là rất cần thiết. Công việc này thoạt nhìn không phải là nhiệm vụ mà chương trình Ngữ văn 2018 phải làm rõ, nhưng cần có sự lưu ý để có sự thống nhất về học thuật, nhất là một số nội dung còn tranh luận hoặc có nhiều quan điểm khác nhau. Một số nội dung phức tạp, đơn cử như yêu cầu cần đạt về tiểu thuyết hậu hiện đại cũng nên cân nhắc loại khỏi chương trình.Từ những đổi mới của chương trình PGS.TS Dương Tuấn Anh cho rằng, giáo viên cần từ bỏ cách dạy “giảng văn” cũ, thích ứng với cách lên lớp “tổ chức hoạt động dạy học”: “Hiện nay một số giáo viên vẫn chưa quen, ngại thay đổi, cần nhiều thời gian để thích ứng hơn. Thay đổi một thói quen trong dạy học chủ yếu chỉ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh rõ ràng là một thách thức chứ không chỉ là một khó khăn đối với giáo viên. Học sinh cũng cần thích ứng với cách dạy học mới, theo đó, phải chủ động, tích cực hơn, kéo là sự phân hóa cũng rõ ràng hơn.
"Một vấn đề nữa nảy sinh khi có nhiều bộ sách là những học sinh chuyển trường trong khoảng thời gian giữa năm học sẽ phải tự khắc phục khó khăn khi trường học mới sử dụng bộ sách giáo khoa Ngữ văn khác với trường học cũ.
Sự khác biệt về yêu cầu cần đạt được sắp xếp theo trật tự các bài học ở các bộ sách khác nhau sẽ khiến học sinh có thể phải học lại một số bài có yêu cầu tương tự bài đã học ở bộ sách học sinh này học trước đó, đồng thời không được trang bị một số tri thức và kĩ năng để hình thành và phát triển năng lực do nội dung này chưa được học ở bộ sách trước, nhưng bài học trang bị những tri thức và kĩ năng này đã được triển khai ở bài đã được học trước thời điểm chuyển trường của học sinh trong bộ sách học tại ngôi trường học sinh mới chuyển đến" - PGS.TS Dương Tuấn Anh chỉ rõ.