Cần thuốc đặc trị căn bệnh sợ trách nhiệm

Trước thực trạng một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng nay, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, phải có 'liều thuốc' đặc trị với căn bệnh này.

Khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo

Tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng nay, 31.5, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm, có tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), phải xác định được nguyên nhân của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Phân tích "một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm", đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, có hai nhóm: một là, nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là, nhóm sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Đối với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, hoàn toàn có thể khắc phục được ngay. Trong bất cứ thời điểm nào, bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được không và nhận diện được thì xử lý thế nào? Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất, giải pháp cấp thiết cần làm ngay là ưu tiên thay thế cán bộ đó bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, ngoài Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Đây là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nguyên nhân là vì các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện. Những bất cập này đã được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh thẳng thắn ngay trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 29.5 vừa qua…

Do đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật, đặc biệt là văn bản dưới luật, bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, cá nhân căn cứ vào đó có thể triển khai thực hiện được ngay.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Có giải pháp đủ mạnh "xốc lại" tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng cho rằng, trong thời điểm chúng ta đang sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng và cũng chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, thì tình trạng sợ trách nhiệm còn diễn ra. Nếu không giải quyết dứt điểm "điểm nghẽn" trong vấn đề sợ trách nhiệm thì e rằng nếu có đầy đủ hệ thống quy định pháp luật cũng vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng. Tình trạng các địa phương gửi công văn xin hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ, ngành không phải hiếm gặp khi luật, các văn bản dưới luật còn chồng chéo. Tình trạng này càng trở lên phổ biến khi các địa phương xin hướng dẫn thì được phúc đáp theo kiểu trích dẫn khoản nọ, điều kia.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Qua phân tích trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm kiến nghị, cấp thiết thành lập Tổ công tác liên ngành, tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương. Ban hành Bộ Quy tắc, quy chuẩn xử lý những vấn đề phổ biến gặp phải trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các nhiệm vụ liên quan và phổ biến rộng rãi. Nếu địa phương nào gặp khó khăn có thể tra cứu, áp dụng ngay quy trình chuẩn thì việc triển khai sẽ thuận lợi hơn rất nhiều thay vì theo hình thức gửi công văn rồi chờ đợi công văn trả lời mà vẫn bối rối như hiện nay.

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cũng đề nghị, có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung, cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý nói riêng, các dấu hiệu sợ trách nhiệm, né tránh, không giải quyết các thủ tục hành chính, hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp. Thực tế, tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở nhiều nơi đã gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp làm cho người dân đã khó khăn càng khó khăn hơn, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, phải có giải pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, có liều thuốc đặc trị đối với căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, né tránh, sợ sai, không để lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/can-thuoc-dac-tri-can-benh-so-trach-nhiem-i330894/