Cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho giáo dục

Các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Ngày 14-6, tại tỉnh Nam Định, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều thách thức đang đặt ra

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã báo cáo tình hình phát triển GD&ĐT vùng ĐBSH giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD&ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, năm học 2022-2023, toàn vùng ĐBSH có 11.440 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

113 là số cơ sở giáo dục ĐH của vùng ĐBSH, hằng năm có hơn 100.000 sinh viên và hơn 15.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được thì giáo dục vùng ĐBSH cũng đang đối diện với không ít khó khăn.

Điển hình nhất là sự phát triển nóng về kinh tế, cùng với tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học nhanh hàng đầu cả nước đã làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục dù được quan tâm vẫn đang chậm hơn so với sự phát triển.

Thiếu trường lớp, thiếu giáo viên đang đặt ra cho vùng ĐBSH thách thức để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục…

Cần sớm điều chỉnh chính sách

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, ngành giáo dục, cơ sở giáo dục ĐH vùng ĐBSH đã chia sẻ kết quả giáo dục đạt được, nhận diện khó khăn, thách thức; đưa đề xuất và trao đổi giải pháp phát triển GD&ĐT vùng ĐBSH trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị và nhấn mạnh tỉ lệ trường chuẩn của vùng đạt cao nhưng phải vươn lên đạt được các chuẩn mang tính quốc tế. Ảnh: T.ĐẠI

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị và nhấn mạnh tỉ lệ trường chuẩn của vùng đạt cao nhưng phải vươn lên đạt được các chuẩn mang tính quốc tế. Ảnh: T.ĐẠI

Theo GS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kết quả thi tốt nghiệp THPT (chất lượng đào tạo đại trà) và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia (đào tạo mũi nhọn), khu vực ĐBSH luôn chiếm ưu thế trong top 10 cả nước.

Tuy nhiên, GD&ĐT vùng đang đối mặt với một số thách thức, trong đó dù tập trung hầu hết cơ sở giáo dục ĐH lớn nhưng chưa có sự kết nối đa chiều trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.

Nhiều khu công nghiệp ra đời nhưng kèm theo đó là sự dịch chuyển cơ học về dân số, đặt ra yêu cầu về trường lớp, không gian hoạt động, đời sống văn hóa, tinh thần đang gặp không ít khó khăn, rộng hơn là dân trí, giáo dục môi trường.

 Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng là dịp nhìn lại để GD&ĐT của vùng vươn cao hơn, trở thành trung tâm GD&ĐT nhân lực chất lượng cao của cả nước. Ảnh: T.ĐẠI

Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng là dịp nhìn lại để GD&ĐT của vùng vươn cao hơn, trở thành trung tâm GD&ĐT nhân lực chất lượng cao của cả nước. Ảnh: T.ĐẠI

GS-TS Nguyễn Văn Minh cho rằng cần tập trung xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực. Trong đó, ngoài chất lượng mũi nhọn cần tính đến phân luồng, hướng nghiệp, nhằm vào nhân lực có chất lượng đáp ứng cho công nghệ cao; giảm thiểu cung ứng lao động phổ thông thuần túy.

Đồng thời bảo đảm đội ngũ về số lượng, cơ cấu, nhất là đội ngũ đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm thu nhập giáo viên tương ứng với thu nhập vùng…

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phê lại kiến nghị sớm ban hành “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để địa phương có căn cứ trong việc định hướng chiến lược phát triển giáo dục của địa phương.

Ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục…

Còn Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam Phạm Anh Tuấn đề nghị việc thực hiện tinh giản biên chế phải tính đến đặc thù của ngành giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỉ lệ chung đối với ngành giáo dục.

Phải vươn lên chuẩn cao hơn

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng vùng ĐBSH cần đẩy mạnh sắp xếp quy hoạch mạng lưới, từ sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông đến liên cấp và hệ thống các trường ĐH-CĐ.

Theo ông Sơn, so với cả nước, tỉ lệ trường chuẩn của vùng đạt cao rồi nhưng phải vươn lên chuẩn cao hơn, dần đạt được các chuẩn mang tính quốc tế, nhất là ở các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…

Từ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa để người học có nhiều cơ hội hơn, chia sẻ nhiều hơn cho hệ thống công lập, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng các địa phương trong vùng cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển GD&ĐT.

Đối với xã hội hóa giáo dục, các địa phương vừa tăng cường quản lý nhà nước vừa tăng cường hỗ trợ cho hệ thống giáo dục ngoài công lập để hệ thống này phát huy được, thể hiện được vai trò của mình.

Đối với tăng cường số hóa, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh toàn ngành đang đặt trọng tâm là chuyển đổi số, xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành vào công tác quản lý; chuyển đổi số trong chuyên môn, quản trị, dạy và học ngày càng đòi hỏi đạt đến chiều sâu hơn.

“Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, trong đó cần nhất là biết quản lý, biết dùng và cần dùng” - ông Sơn nêu.

Phát huy lợi thế của một vùng tập trung cao và đa dạng các trường ĐH, trong đó có những trường ĐH hàng đầu để giải bài toán nhân lực và tạo con đường xây dựng xã hội học tập cho vùng đất hiếu học, thích học và học có chất lượng nhất cả nước.

Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, ĐBSH trở thành trung tâm GD&ĐT nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Đến năm 2045, là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, GD&ĐT, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

PHI HÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-tiep-tuc-huy-dong-cac-nguon-luc-cho-giao-duc-post737966.html