Cần tiễu trừ nhũng nhiễu để kinh tế tư nhân phát triển
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò của khu vực kinh tế này như một lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, mà còn đánh tan mọi quan điểm tiêu cực về doanh nghiệp tư nhân, vốn vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của không ít cán bộ tại các cơ quan nhà nước.
Bài viết này đã chỉ ra những rào cản đang kìm hãm khả năng phát triển của kinh tế tư nhân, đó là việc tiếp cận các nguồn lực như vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao; môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro; quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ công chức trong thực thi công vụ.
Nhưng có lẽ rào cản quan trọng nhất được bài viết chỉ ra chính là hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại, tạo ra một gánh nặng vô hình đối với doanh nghiệp tư nhân, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và gây tâm lý e ngại khi mở rộng đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều doanh nghiệp tư nhân “không muốn lớn” hoặc “không thể lớn”.
Yếu tố này cũng phần nào được làm rõ hơn trong Báo cáo khảo sát thực trạng cung cấp/thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp năm 2024, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, công bố. Báo cáo chỉ ra các nhóm thủ tục có cải thiện kém là thuế, đất đai, môi trường và xây dựng.
Không khó để nhận ra đây đều là các thủ tục doanh nghiệp phải thường xuyên đối diện trong suốt quá trình của hoạt động kinh doanh và đầu tư. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là phản ánh của các doanh nghiệp về tình trạng “thanh tra và kiểm tra thuế thường xuyên chỉ tập trung vào việc bắt lỗi nhỏ, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn”. Điều đáng nói là việc “chỉ tập trung vào việc bắt lỗi nhỏ” không chỉ xảy ra với thuế, mà còn phổ biến ở nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động thường xuyên khác của doanh nghiệp mà nóng nhất là đất đai và đầu tư xây dựng.
Có thể nói, động lực đằng sau các hành động “tập trung vào việc bắt lỗi nhỏ” không chỉ là sự vô cảm, lạnh lùng với vấn đề của doanh nghiệp của các cán bộ công chức, mà nó còn là cách để các cán bộ biến chất ra “tín hiệu” để buộc doanh nghiệp biết phải “ứng xử” với họ, hay nói trắng ra đó là hành vi gợi ý tham nhũng.
Dù đây chỉ là loại nhũng nhiễu và tham nhũng vặt, giá trị có thể không quá lớn, nhưng nó là mối lo thường xuyên của hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn doanh nghiệp và có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và đầu tư của họ, thậm chí có thể dẫn đến phá sản, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, để mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển thành một lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, cần tiễu trừ mọi nhũng nhiễu và tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.