Khối tư nhân có vai trò quyết định trong việc thành công của thị trường các-bon

Nhà nước có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiến tạo thị trường thông qua việc ban hành và thực thi các quy định nhằm hình thành, vận hành, thúc đẩy và giám sát thị trường các-bon. Trong đó, khối tư nhân có vai trò quyết định trong việc thành công của thị trường này - TS. Tô Xuân Phúc - Giám đốc Điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trends (Mỹ) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên về việc thu hút khối tư nhân tham gia vận hành thị trường thương mại các-bon.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất các doanh nghiệp nhiệt điện, sắt thép và xi măng sẽ tham gia thí điểm vào thị trường các-bon. Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất các doanh nghiệp nhiệt điện, sắt thép và xi măng sẽ tham gia thí điểm vào thị trường các-bon. Ảnh minh họa

PV: Trước tháng 6/2025, Việt Nam sẽ xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon và sẽ chính thức vận hành thị trường tín chỉ các-bon trong tương lai. Theo ông, việc phát triển thị trường này có ý nghĩa thế nào đối với công cuộc giảm phát thải, phát triển bền vững?

TS. Tô Xuân Phúc: Chính phủ Việt Nam đang xây dựng thị trường các-bon nội địa. Cụ thể là sàn giao dịch các-bon và các quy định về các loại hình dự án đầu tư hình thành tín chí các-bon như là một loại hàng hóa, đo đếm, thẩm thị dự án và tín chỉ… Khi các hoạt động chuẩn bị này hoàn thành, thị trường nội địa sẽ vận hành, có thể bắt đầu từ 2026.

Khi vận hành tín chỉ các-bon sẽ được thực hiện trên sàn giao dịch, với người bán là các dự án đầu tư hình thành tín chỉ. Người mua là các tổ chức/đơn vị có mức phát thải khí nhà kính cao hơn ngưỡng được Chính phủ cho phép và phải mua tín chỉ để bù đắp lại một phần phát thải. Người mua cũng có thể là các cơ quan, tổ chức tự nguyện muốn giảm mức phát thải trong các hoạt động của mình. Chính phủ chỉ cho phép các giao dịch quốc tế về tín chỉ các-bon được thực hiện sau năm 2028. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện 2 dự án có liên quan tới thị trường các-bon quốc tế, song đều là các dự án thí điểm.

Khoảng 200 doanh nghiệp của 3 lĩnh vực sẽ tham gia thí điểm thị trường các-bon

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực trước mắt sẽ tham gia thí điểm vào thị trường các-bon đó là: nhiệt điện, sắt thép và xi măng. Dự kiến sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp được đưa vào tham gia thị trường trong giai đoạn đầu vận hành thí điểm.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng bộ tiêu chuẩn các-bon rừng. Đây là bộ tiêu chuẩn sử dụng cho thị trường trong nước. Tôi hy vọng trong thời gian tới, sau khi Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chuẩn này sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng bộ tiêu chuẩn này để đầu tư vào các dự án trồng rừng, làm giàu rừng, tạo nguồn tín chỉ các-bon để giao dịch nội địa. Hoạt động của thị trường nội địa có tiềm năng tạo ra nguồn tài chính vô cùng quan trọng phục vụ cho mục tiêu phát triển và bảo vệ rừng, tăng cường sinh kế cho các công đồng và người dân sống dựa vào rừng. Hoạt động của thị trường nội địa và thị trường quốc tế trong tương lai sẽ trực tiếp góp phần vào việc giảm phát thải, thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đáp ứng được các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã ký kết.

PV: Để thị trường các-bon có thể vận hành hiệu quả, rất cần có sự tham gia chủ động của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mới đối với Việt Nam, theo ông các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thuận lợi gì khi tham gia thị trường này và Việt Nam cần làm gì để thu hút khối tư nhân tham gia vào thị trường thương mại các-bon?

TS. Tô Xuân Phúc: Khối tư nhân có vai trò quyết định trong việc thành công của thị trường. Đối với thị trường các-bon trong nước, khối tư nhân bao gồm người mua - là những cơ quan, tổ chức phải giảm hoặc muốn giảm mức phát thải thực hiện việc mua hàng hóa là tín chỉ các-bon để làm giảm mức phát thải của mình. Người bán là những người đầu tư vào các hoạt động/dự án tạo tín chỉ. Thiếu người mua, người bán sẽ không hình thành thị trường.

Nhà nước có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiến tạo thị trường thông qua việc ban hành và thực thi các quy định nhằm hình thành, vận hành, thúc đẩy và giám sát thị trường. Các quy định này có liên quan tới việc các mức phát thải trần của các công ty có mức phát thải cao và phần phát thải mà các công ty này được phép mua tín chỉ các-bon để bù đắp một phần mức phát thải vượt ngưỡng cho phép. Các quy định này cũng liên quan tới việc quy động hoạt động đầu tư gì, quy trình đầu tư ra sao, đăng ký dự án như thế nào… để tạo ra tín chỉ và giao dịch trên thị trường.

Thị trường các-bon còn rất mới mẻ với hầu hết mọi người, bao gồm khối tư nhân. Các doanh nghiệp cần có thời gian tìm hiểu thông tin và thực tiễn để có thể hiểu được các khái niệm cơ bản và cách thức thị trường vận hành. Các cơ chế, chính sách bắt buộc sự tham gia của khối tư nhân vào thị trường, ví dụ đối với các cơ sở có mức phát thải cao và buộc phải giảm phát thải hoặc khuyến khích sự tham gia, ví dụ kêu gọi các dự án đầu tư vào tín chỉ các-bon có vai trò quan trọng, lôi kéo sự tham gia của khối tư nhân. Thông tin về thị trường, cách thức vận hành, các quy định về thị trường… là rất cần thiết và cần phổ cập tới các công ty càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các mô hình thí điểm về thị trường làm nguồn thông tin đầu vào về các bài học thực tiễn về vận hành của thị trường cho các doanh nghiệp. Đây là các hoạt động hết sức cần thiết để lôi kéo sự tham gia của khối tư nhân.

PV: Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon có đề xuất doanh nghiệp được mua 30% tín chỉ trên tổng hạn ngạch để bù trừ phát thải. Theo ông con số này đã hợp lý?

TS. Tô Xuân Phúc: Con số 30% cao hơn nhiều so với con số 10% là mức dự kiến trước đó. Tôi nghĩ các cơ quan soạn thảo chính này có lý do để đưa ra con số 30% này. Con số này có thể dựa trên các đánh giá về thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp hiện nay và con số 10% có thể là quá chặt chẽ đối với doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại. Con số 30% cho phép các doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị nhằm đáp ứng các yêu cầu giảm phát thải. Tuy nhiên, tôi nghĩ con số 30% này không nên cố định mà nên giảm dần theo thời gian.

Từ góc độ nhà đầu tư tạo tín chỉ các-bon, con số 30% (so với 10%) có nghĩa độ lớn của thị trường tín chỉ các-bon sẽ lớn hơn rất nhiều và đây có thể là những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam đã ban hành khung pháp lý cho việc vận hành thị trường các-bon

Việt Nam đã thiết lập khung pháp lý cho việc tổ chức và vận hành thị trường các-bon, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Cụ thể, Điều 139 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định về việc tổ chức và phát triển trên thị trường các-bon. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022, quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó bao gồm các quy định cụ thể về phát triển thị trường các-bon.

Theo lộ trình được đề ra, giai đoạn thí điểm thị trường các-bon sẽ diễn ra từ nay đến hết năm 2028, trước khi chính thức vận hành vào năm 2029. Đồng thời, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đã được ban hành. Đặc biệt, Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đưa thị trường này vào vận hành theo đúng lộ trình.

Việc xây dựng và triển khai thị trường các-bon không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải nhà kính mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và hội nhập với các cơ chế thị trường các-bon toàn cầu.

Nguyên Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-tu-nhan-co-vai-tro-quyet-dinh-trong-viec-thanh-cong-cua-thi-truong-cac-bon-174917-174917.html