Cần tỉnh táo khi kinh doanh cà phê cuối năm

Cho đến thời điểm ngay giữa niên vụ 2024-2025 tính từ 1-10-2024, giá cà phê nguyên liệu trên tất cả các thị trường vẫn chưa nguôi sôi động. Tâm lý lo thiếu hụt cà phê đã đẩy giá kỳ hạn cà phê lên chóp đỉnh lịch sử. Nhưng cũng từ đỉnh ấy, thị trường bắt đầu 'giở quẻ'.

Giá robusta lẫn arabica trong sáu tháng đầu năm kinh doanh đến ngày 30-3-2025 chứng kiến nhiều đợt tăng hoặc giảm sùng sục. Giá cơ sở giao dịch kỳ hạn tháng 5-2025 liên tục phá đỉnh lịch sử với chóp cao nhất trên sàn robusta đạt 5.849 đô la Mỹ/tấn và arabica 429,95 cts/lb tương đương với 9.479 đô la/tấn lập cách nhau chỉ một ngày vào giữa tháng 2-2025.

Chắc chẳng có cách nào lý giải hợp lý hơn là… do cà phê thế giới mất mùa, hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới bị hạn hán kéo dài, tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu làm người ta lo thiếu cà phê để uống. Ít ai dám nói do “mất mùa được giá” hoặc rằng do yếu tố thị trường, giá càng tăng, thị trường càng thiếu hàng...

Kẻ lo người thích

Thật ra, thị trường kỳ hạn thường nương theo những con số do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán vào cuối năm 2024 khi cơ quan này ước đoán sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2024-2025 này chừng 175 triệu bao (bao = 60 ki lô gam). Xuất khẩu dưới các dạng hạt và chế biến rang xay, hòa tan chừng 145 triệu bao, trong đó dạng hạt đạt 122,3 triệu bao. Số còn lại 30 triệu bao dành cho tiêu thụ nội địa tại các nước sản xuất và tồn kho cuối kỳ. Chính con số này đang tác động mạnh lên giá thị trường hiện nay.

Nếu tiêu thụ nội địa tại Brazil bình quân hàng năm chừng 21 triệu bao thì Việt Nam chừng 4,5-5 triệu bao, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa). Như thế, tồn kho cuối kỳ mang sang niên vụ tới 2025-2026 của toàn cầu chỉ vỏn vẹn quanh 3 triệu bao lúc nối vụ. Chỉ cần một bất trắc nhỏ do thời tiết như hạn hán đâu đó, thì không những sản lượng vụ tới không biết có bảo đảm đủ cho nhu cầu tiêu thụ hay không mà nguồn “hậu bị” cũng quá ít ỏi.

Tâm lý lo thiếu hụt cà phê đã đẩy giá kỳ hạn cà phê lên chóp đỉnh lịch sử. Nhưng cũng từ đỉnh ấy, thị trường bắt đầu “giở quẻ”. Những cơn co giật theo hướng xuống đã xuất hiện trên cả hai sàn kỳ hạn: Giá sàn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, có lúc chạm đáy 5.265 đô la/tấn để đóng cửa ngày 28-3 tại 5.337 đô la/tấn, giảm 512 đô la tính từ đỉnh; còn arabica kết thúc cùng ngày tại 379.95 cts/lb giảm từ đỉnh 1.103 đô la/tấn.

Cũng cần nói rằng đợt tăng lên đỉnh đã gây không ít khó khăn cho người tiêu thụ cuối cùng trong chuỗi cung ứng và các chuỗi quán bán lẻ. Trong một thời gian khá dài kéo đến hơn cả năm trời, dưới áp lực giá cà phê kỳ hạn tăng liên hồi, nhiều hãng rang xay tìm cách tăng giá bán. Nhưng đến đoạn tăng cùng cực, không ít nhà phân phối và siêu thị đã từ chối không nhận hàng ký gửi bán từ các hãng chế biến nếu đòi tăng giá. Phản ứng không chấp nhận nâng giá thành phẩm cà phê của khâu phân phối trung gian này suy cho cùng không phải xuất phát từ giá vì họ chỉ nhận tiền hoa hồng từ khối lượng sản phẩm bán ra. Ý nghĩa của nó là phản ánh cho nước xuất khẩu và giới rang xay một thực tế: giá quá cao, tiêu thụ giảm.

Cũng từ bấy, giá cà phê hạ nhiệt dần và “nông nỗi” này chưa chắc đã chấm dứt. Trong khi đó, các chủ quán thì phải đắn đo, hoặc là nâng giá bán ly cà phê, hoặc là hạ thấp chất lượng sản phẩm hay tìm các thức uống, thực đơn “phong phú hơn” để tồn tại.

“Ngây ngây” với tâm lý giá lên

Trong báo cáo thường kỳ của Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) tháng 2-2025, Chủ tịch Marcio Ferreira nhận định giá cà phê kỳ hạn có vẻ như phải xuống dù tạm thời vì giá cao quá, hãm bớt tiêu thụ. Mặt khác, do giá nguyên liệu cao, đã xuất hiện nhiều sản phẩm cà phê giả trộn lẫn các thứ không phải là cà phê, điều này đã được Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), bà Vanusia Nogueira, cảnh báo trong dịp sang dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột vào đầu tháng Ba năm nay. Nhưng đó cũng là lý do khiến nhiều nơi trên thế giới nghi ngờ về chất lượng cà phê Việt Nam năm nay và từ đó cà phê thật “mất giá” vốn phải có của nó.

Ngoài ra, Ferreira còn cho biết cà phê Brazil ít ra thị trường trong vòng mấy tháng nay còn do các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê thực (physicals) bị hạn chế về tài chính, cộng thêm giá thị trường cao gấp đôi giá cùng kỳ năm 2024, giá trị đồng đô la Mỹ tăng giảm thất thường nhưng vẫn còn rất mạnh, lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ cao (4,25-4,50%/năm) và đồng nội tệ Brazil Reais (BRL) tăng ngất ngưởng (14,25%/năm) đã hãm luồng ra hàng từ các nước sản xuất.

Dù thị trường đã có phần dịu lại, nhưng hiệu suất kinh doanh tính từ 52 tuần qua đến 30-3-2025 trên sàn arabica vẫn dương 102% và robusta tăng 76%, tức ai mua cà phê trên hai sàn giữ được cả năm đều hưởng lợi khủng.

Cần một chút tỉnh táo

Ngoài các yếu tố trên, giá kỳ hạn cà phê đã được kích tăng mạnh do lực mua bùng phát dưới sức ép giao hàng theo quy định của luật quy định về chống phá rừng (EUDR), luật cấm lưu hành sản phẩm gây suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EU). Từ đầu tháng 10-2024, các nhà kinh doanh cà phê đôn đáo kiếm mua hàng, giá cao bao nhiêu cũng mua để tránh các phiền phức do luật này đã định áp dụng vào cuối năm ngoái. Nhưng sau đó EU đã dời lại ngày áp dụng đến cuối năm nay đối với các hãng lớn và giữa năm 2026 cho các doanh nghiệp nhỏ.

Có dịp nói chuyện với một số chuyên gia ngành hàng quốc tế về sự chuẩn bị cho những chuyến hàng áp dụng theo luật EUDR (đã điều chỉnh) từ Brazil và Indonesia, là hai nước cạnh tranh lớn nhất trên thị trường robusta với Việt Nam, người viết bài này được cho biết các nước xuất xứ ấy đã rất sẵn sàng và hàng sẽ không còn bị “nghẹn cục” như cuối năm trước. Như vậy, mức độ ảnh hưởng thiếu hàng khi thị trường thực hiện theo luật EUDR sẽ không cho nhiều cơ hội để giá tăng mạnh cấp kỳ như đã từng thấy vào ba tháng đầu vụ.

Chính sách thuế quan “có qua có lại” của chính quyền Trump lên hàng hóa nhập khẩu đối với 185 nước có quan hệ làm ăn với Mỹ trong đó có xuất khẩu cà phê vào Mỹ đã có mức thuế cụ thể như Việt Nam 46%, Indonesia 32%, Ấn Độ 27%. Brazil/Colombia/Peru/Costa Rica và Ecuador đều cùng mức 10%... Hiện nay, nhiều thông tin cho rằng cà phê nhập khẩu dạng hạt vào Mỹ có mức thuế bằng 0. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê sau ngày công bố thuế quan “đứng hình”, thị trường chưa rõ phải ứng xử thế nào vì ngay cả Hiệp hội Cà phê Bắc Mỹ (NCA) vẫn đang chờ chính quyền Trump trả lời đề xuất không áp thuế đối với mặt hàng cà phê nhập khẩu từ Nam Mỹ. Hàng cà phê đi vào Mỹ đang bị “nghẹn” vì thuế cộng với mùa thu hái robusta Brazil đang đến, mức độ đẩy giá tăng nếu có cũng chỉ chừng mực.

Giá cà phê tăng, vẫn chưa ai dám đoán sẽ còn quay trở lại phá đỉnh cũ trên hai sàn kỳ hạn hay không. Nhưng thị trường thấy rõ là giá nguyên liệu trong nước đã vượt khỏi mức đỉnh kỷ lục 135 triệu đồng/tấn để lên 135,5 triệu đồng/tấn khi hai sàn kỳ hạn lùi xa đỉnh lịch sử vào cuối tháng 3-2025. Nhu cầu mua hàng robusta từ Việt Nam còn mạnh dù đến giữa niên vụ Việt Nam đã xuất khẩu hơn 50% sản lượng cà phê năm nay dựa trên ước báo xuất khẩu niên vụ cà phê niên vụ 2024-2025 của Vicofa là 23 triệu bao, trong đó ba tháng đầu năm nay chừng 500.000 tấn.

Dù vậy, thị trường cà phê kỳ hạn đang tìm cách đưa giá dịu xuống không chỉ do phản ứng từ người tiêu thụ, mà còn những dự báo về sản lượng cà phê robusta của Brazil và Indonesia nhờ mở rộng diện tích và tăng năng suất cây trồng xuất phát từ hệ quả giá cao.

Một số dự báo đáng tin cậy từ nhiều đơn vị độc lập cho hay sản lượng robusta Brazil niên vụ 2025-2026 có thể đạt trong khoảng từ 25-26 triệu bao và arabica chừng 40 triệu bao. Cho nên, giá arabica đang trở thành đầu tàu của hai sàn kỳ hạn chứ không phải robusta như trước đây. Nếu vào tháng 7-2025, khi sản lượng arabica báo cáo dưới 40 triệu bao, thì đó là cơ hội cho giá robusta từ vững đến tăng thêm từ mức hiện nay do Brazil cần lấp tồn kho và sử dụng trong nước sau khi xuất khẩu mạnh. Còn nếu lượng arabica trên 40 triệu bao? Con số này là một chỉ dấu thị trường quan trọng, khiến người đang sướng “ngây ngất” với giá cao sực tỉnh.

Nguyễn Quang Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-tinh-tao-khi-kinh-doanh-ca-phe-cuoi-nam/