Cần tính tới các công cụ thuế linh hoạt để kìm giá xăng dầu
Giá xăng dầu đã liên tiếp tăng trong thời gian qua, hiện đã vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Với mức giá kỷ lục này, nhiều doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn trong cuộc sống và hoạt động kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, giá xăng đang tác động đến nhiều mặt hàng, nguy cơ lạm phát cao, do vậy, cần có những giải pháp; trong đó có các công cụ thuế linh hoạt để kìm lại đà tăng của giá xăng, tạo điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp gặp khó
Kể từ 15h hôm qua 23/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong đó, xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng, lên mức 29.630 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 670 đồng, lên mức 30.650 đồng/lít.
Như vậy từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá "nhỏ giọt". Thậm chí đây là kỳ tăng giá thứ ba liên tiếp kể từ cuối tháng 4 đến nay.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp vận tải, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại một cách bình thường. Nhưng chưa kịp lấy lại "sức sống", bắt nhịp tăng trưởng thì ngành vận tải đã vấp phải khủng hoảng giá nhiên liệu.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát - hãng xe Sao Việt cho hay, sau dịch bệnh, các tuyến xe của doanh nghiệp phục hồi được khoảng 60%, gấp đôi so với năm 2021. Đây là tín hiệu vui với doanh nghiệp. Tuy nhiên chưa kịp mừng vì sự phục hồi này được bao lâu, doanh nghiệp đã lập tức phải đối mặt với một “cơn bão” mới - bão giá xăng dầu. Trong khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã và liên tiếp phá kỷ lục.
Đến thời điểm hiện tại, giá xăng đã vượt 30.000 đồng/lít, cao nhất trong lịch sử. Điều đáng nói, cơn bão này chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng lại trong thời gian tới.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát Đỗ Văn Bằng nhận định, giá xăng, dầu tăng phi mã như hiện nay sẽ đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn. Nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tăng giá cước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả hành khách đi xe và nhà xe.
Theo bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty vận tải Cường Thắng, xăng dầu chiếm tới 40% giá thành vận tải, nên khi giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những chuyến càng chạy càng lỗ.
"Giá cước không thể tăng nhanh và biên độ bằng với đà tăng của giá xăng, bởi rất nhiều đối tác của công ty đều lâu năm. Với tình hình hiện nay, buộc chúng tôi phải đàm phán với khách hàng về giá. Thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% nhưng dường như không có nhiều tác động trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, cơ quan chức năng cũng cần có thêm các giải pháp về thuế, phí để hạ nhiệt giá xăng, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh", bà Hạnh nói.
Các doanh nghiệp vận tải cho rằng, tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng cao với hoạt động vận tải không kém gì so với dịch bệnh COVID-19, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Điều đáng nói, "bão giá" xăng dầu diễn ra ngay sau “bão" COVID-19, mang tới tác động cộng hưởng, làm doanh nghiệp khó phục hồi.
Trong khi đó, để giữ chân hành khách, đối tác, các nhà xe, doanh nghiệp vận tải không thể tăng giá vé, hoặc chỉ tăng ở mức thận trọng.
Ông Ngô Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Hiển Vinh, khai thác tuyến Mỹ Đình - Hòa Bình cho biết, sau dịch bệnh, hoạt động vận chuyển khách vẫn chưa trở lại bình thường. Hiện công ty này đang duy trì 1 chuyến/ngày, tương đương với 50% công suất với tuyến Mỹ Đình - Hòa Bình. So với thời kỳ trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, công suất khai thác của doanh nghiệp chỉ đạt một nửa. Trong điều kiện giá xăng, dầu tăng cao, dù cơ quan quản lý đã cho phép điều chỉnh giá lên nhưng doanh nghiệp vẫn đang tính toán rất thận trọng, phải tiết giảm chi phí tối đa và duy trì để giữ khách và bảo đảm luồng tuyến.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, quy luật kinh doanh cho thấy, cước vận tải tăng cao và kéo dài sẽ tác động lên giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội. Do vậy, phía cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung để có giải pháp ứng phó linh hoạt khi giá dầu thế giới tăng cao; đồng thời, nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng, lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khi giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hoạt động xuất khẩu dầu thô, kèm theo đó là nguồn thu từ các loại thuế, phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong nước, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
"Việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường thời gian qua đã phần nào giúp hạ nhiệt giá xăng, nhưng dư địa giảm giá vẫn còn. Về lâu dài, cần có các giải pháp cải cách để điều hành xăng dầu đúng với cơ chế thị trường, tránh tình trạng điều hành "nửa vời" như hiện nay. Có thể tiến tới bỏ định giá theo chu kỳ, chuyển theo hướng doanh nghiệp tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường", ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan chức năng có thể tiếp tục đề xuất, thực hiện việc giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời đưa ra chiến lược sử dụng tiết kiệm hơn với mặt hàng xăng dầu.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, quỹ bình ổn giá đang âm do đó, không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá. Trong cơ cấu giá xăng dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn, như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm. Cùng đó là các giải pháp về tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối làm sao trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm. Đó là những công cụ, dư địa để can thiệp nhằm hài hòa lợi ích các bên là nhà nước, người dân, doanh nghiệp.