Cần tổng thể giải pháp bền vững, lâu dài

Nhiều vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non, như vấn đề thừa - thiếu biên chế giáo viên, chính sách đối với nhà giáo, thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm, thúc đẩy xã hội hóa... đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra tại phiên giải trình 'Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non' do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức sáng 25.2.

Toàn cảnh phiên giải trình

Toàn cảnh phiên giải trình

Ảnh: Thái Bình

Để nhà giáo yên tâm với nghề

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số biên chế còn thiếu là 94.714 giáo viên, thừa cục bộ 10.178 giáo viên. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa, giả sử có thể sắp xếp số giáo viên đang thừa, dù đây là vấn đề khó, thì vẫn còn thiếu hơn 80.000 giáo viên. "Hai Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ trưởng Bộ Nội vụ - PV) cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề biên chế này, trong khi vẫn thực hiện nghiêm nghị quyết trung ương về giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tinh giản biên chế?"

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi về giải pháp căn cơ đối với vấn đề biên chế giáo viên

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi về giải pháp căn cơ đối với vấn đề biên chế giáo viên

Ảnh: Thái Bình

Liên quan đến chính sách đối với giáo viên, ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) thông tin: Theo số liệu báo cáo từ địa phương, khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng, mức lương giáo viên của giáo viên khu vực đồng bằng có thâm niên công tác 30 năm khoảng 9 - 11 triệu đồng/tháng. Hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non và tiểu học theo thông tư mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2,1, nên lương giáo viên mới đi làm có mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

"Trong khi Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Vậy chính sách tiền lương của đội ngũ nhà giáo hiện nay liệu có là động lực để nhà giáo yên tâm với nghề, thu hút nhà giáo giỏi? Cử tri ngành Giáo dục và Đào tạo băn khoăn, liệu lương của nhà giáo có được nâng lên, cải cách tiền lương bao giờ mới được thực hiện?" - ĐBQH Dương Minh Ánh đặt câu hỏi.

ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) đề cập tới vướng mắc trong Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của Chính phủ, khiến nhiều người giỏi chưa mạnh dạn đăng ký học ngành sư phạm, nhiều địa phương chưa đặt hàng đào tạo sư phạm. "Hai Bộ cho biết giải pháp nào thực hiện vấn đề trên để Nghị định 116 phát huy trọn vẹn ý nghĩa? Chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế, nhưng làm sao để không giảm người tinh, giữ lại người kém đức, kém tài?"

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa quan tâm tới các chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa quan tâm tới các chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

Ảnh: Thái Bình

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa thì cho rằng còn một số khó khăn, vướng mắc, gây khó khăn trong triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục. Cần sửa đổi, tạo hành lang pháp lý ra sao để đạt mục tiêu, chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo ngoài công lập trong thời gian tới? Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Luật Nhà giáo, lộ trình nên như thế nào?

Chính sách cho giáo viên mầm non, điều động luân chuyển giáo viên, hợp tác công - tư trong giáo dục... cũng được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Cần giải pháp tổng thể

Về vấn đề biên chế giáo viên, trả lời ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần có nhóm giải pháp tổng thể để bảo đảm lâu dài và bền vững không thừa, thiếu giáo viên; việc thực thi không chỉ phụ thuộc nội bộ ngành Giáo dục và Đào tạo, mà liên quan đến chính sách quốc gia, phương diện tài chính, giải pháp của địa phương... "Tuy nhiên, nếu không giải quyết sớm việc này thì việc thiếu giáo viên sẽ trầm trọng hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời tại phiên giải trình

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời tại phiên giải trình

Ảnh: Thái Bình

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, trên cơ sở đó xây dựng một số chiến lược trong giáo dục đại học, giáo dục mầm non... Căn cứ tiến độ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, số học sinh gia tăng, thực hiện phổ cập, một số môn học mới triển khai đến 2025, có thể tính ra được số giáo viên thiếu ở một số môn học mới sẽ triển khai. Bộ cũng đang tiến hành sửa đổi Thông tư 16 về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (đang được đăng mạng lấy ý kiến góp ý của người dân)...

Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về lâu dài cũng như trước mắt xây dựng và hoàn thiện chiến lược giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, tinh thần Đại hội XII, XIII của Đảng. Bên cạnh đó, rà soát hệ thống trường lớp, tính toán, sắp xếp lại quy mô phù hợp. Bộ Nội vụ thẩm định thiếu trên 65.000 giáo viên, và trên cơ sở định mức để các địa phương bố trí lại trường, lớp, bảo đảm số học sinh/lớp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời tại phiên giải trình

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời tại phiên giải trình

Ảnh: Thái Bình

Về chính sách tiền lương, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, lương viên chức sự nghiệp giáo dục so với mặt bằng viên chức khác thì cao hơn, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đời sống. Thực tế bất cập này không riêng gì giáo dục, mà với viên chức, công chức nói chung. Trước mắt, hai Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu để bảo đảm nâng phụ cấp với giáo viên, ưu tiên cho giáo viên mầm non. Về lâu dài sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp...

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-tong-the-giai-phap-ben-vung-lau-dai-egpzdepymt-80300