Cần triển khai sớm các dự án kinh tế - xã hội liên quan sông Sài Gòn
Ở kỳ trước, Người Đô Thị đã khái lược những ý tưởng và đề xuất ban đầu của nhóm nghiên cứu về quy hoạch không gian sông Sài Gòn. Kỳ này, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc ý kiến từ các chuyên gia về vấn đề này.
TS. Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM):
Sông Sài Gòn giúp các địa phương nhìn thấy giá trị của mình
Một trong các mục tiêu của định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể là thông qua kết quả nghiên cứu, các vấn đề phát triển liên quan được lồng ghép trong một công cụ quản lý. Cho nên từ đầu chúng ta đã thấy được tính tích hợp cao. Tiếp cận quản lý theo phương pháp đó thì các sở, ban, ngành hiện đang quản lý theo lĩnh vực của mình có thể nắm được những ý tưởng quy hoạch để đưa vào công tác quản lý chuyên ngành.
Tôi ví dụ như thông qua chiến lược phát triển sông Sài Gòn, Sở Du lịch sẽ thấy được phải làm ra những sản phẩm du lịch theo định hướng kết nối di sản, kết nối vùng, kết nối sông ra biển, rồi từ đó quảng bá hình ảnh làng nghề, những sản phẩm, các giá trị đa dạng sinh học của dòng sông, những câu chuyện của lịch sử, những dấu ấn văn hóa giao thương...
Tóm lại, nếu ví von phát triển dòng sông như một bản nhạc giao hưởng đã được soạn ra, thì mỗi ngành quản lý đều thấy được vai trò, hình dung được mình phải “chơi” như thế nào trong toàn "ban nhạc". Quy hoạch này cũng thống nhất theo quy tắc của luật quy hoạch hiện hành là yêu cầu tính tích hợp rất cao.
Quy hoạch chiến lược tích hợp còn giúp các địa phương dọc theo dòng sông nhận thức rõ hơn giá trị đặc trưng, nhìn thấy cơ hội phát triển kinh tế, đồng thời biết được mình thiếu cái gì, cần đầu tư gì để theo được câu chuyện phát triển chung, mang đến lợi ích chung và riêng của từng vùng. Một mục tiêu nữa của dự án quy hoạch là khuyến khích sự tham dự của các nhà đầu tư, các chuyên gia địa phương, trường đại học, các nhóm nghiên cứu, báo chí, truyền thông, người dân để thấy được đây chính là dịp để tất cả các bên đóng góp, xây dựng ý tưởng.
Ở đây, do tính phân mảnh của thể chế mà hầu như nước nào cũng gặp phải, cho nên một cơ quan điều phối chung là cần thiết để những cái khác biệt, những mâu thuẫn giữa quản lý các ngành có một nơi đủ thầm quyền xem xét, đồng bộ lại vấn đề đó. Khi cả nông nghiệp, công nghiệp đều muốn sử dụng miếng đất đó thì phải có đơn vị đứng giữa, đủ quyền lực để điều phối.
Một dự án đô thị lớn như thế phải có tổ chức quản lý phát triển. Bản chất của dự án đô thị rất phức tạp, bao gồm nhiều cấu phần ngành nghề và các yếu tố pháp lý khác nhau. Chúng ta thường có ban quản lý nhưng mô hình này hiện nay chưa phát huy đúng vai trò một tổ chức đủ quyền, trách nhiệm cũng như đủ năng lực để tổ chức thực thi một dự án đô thị phức tạp như sông Sài Gòn.
Tôi nhấn mạnh đủ năng lực vì dự án đô thị bao gồm nhiều yếu tố thị trường, đất đai, xã hội, tự nhiên, kỹ thuật… cần phải có bộ máy có đủ năng lực.
Hiện nay về cơ chế cũng đã có nhiều tiến bộ, đổi mới. Chúng ta có Hội đồng Vùng hiện do Thủ tướng làm chủ tịch. Thứ hai nữa là gần đây việc ký hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các vùng diễn ra rất nhiều. Hội nghị ký kết giữa các thành phố Bình Dương, Thủ Đức, các tỉnh thành với TP.HCM, rồi hợp tác các chương trình kết nối giao thông…
Tôi cho rằng vấn đề hợp tác liên vùng để tăng sức mạnh và hưởng lợi từ việc hợp tác đó, là đã đạt được trong nhận thức của cấp lãnh đạo và quản lý. Việc phối hợp sâu hơn như thế nào cần có thời gian. Đối với TP.HCM, hiện nay có Nghị quyết 98 cho Thành phố quy chế vượt trội, tạo điều kiện để phát huy những quyền quyết định nhất định để thu hút, hợp tác với những địa phương trong vùng, quốc tế.
TS. Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
Tính bài toán kinh tế đất
Thật ra các khu vực kinh tế hai bên bờ sông hiện nay đang tồn tại rồi. Ngoài ý nghĩa xác định và phát triển những cái hiện hữu, việc xem dòng sông là trục chính nhằm tập trung quan tâm hơn đến các nguồn lực mà bấy lâu nay chưa khai thác. Ví dụ như các điều kiện sông nước, bến bãi, khai thác du lịch, cảnh quan…
Trong các nguồn chưa khai thác, còn phải kể đến mô hình giao thông tích hợp mà sông Sài Gòn có thể tạo ra, tức nó nối kết không chỉ đường thủy, đường bộ, mà kể cả tàu điện ngầm. Tất cả tạo ra hệ thống tích hợp vốn là một nguyên lý trong quy hoạch.
Ý đồ giao thông thủy hiện nay trên sông Sài Gòn chưa hấp dẫn là vì thiếu yếu tố tích hợp này. Tuyến từ bến Bạch Đằng đi lên Thủ Dầu Một chẳng hạn, nếu đi đường sông thì nhanh gấp mấy lần đường bộ. Thế nhưng tại sao người ta lại không đi? Chúng ta cần kiểm tra lại luồng người đi, các bến bãi thích hợp chưa hoặc đã bảo đảm giao thông từ cửa đến cửa chưa…
Quy hoạch là phải có tầm nhìn trên cơ sở dự báo nhu cầu. Theo tôi biết, ngay từ khi lập quy hoạch năm 1993, chúng tôi đã định hướng phải phát triển qua bên kia sông Sài Gòn, tức là quy hoạch Thủ Thiêm, Thủ Đức, tức cũng đã biết chuyển sông làm trục trung tâm. Bởi ban đầu sông Sài Gòn phát triển một bên, còn bên kia hoang vu, đồng ruộng. Mục tiêu phát triển ra hai bên như vậy thì không phải thu được hiệu quả ngay trên sông Sài Gòn mà là cả một khu vực rộng lớn hơn, như phát triển khu công nghệ cao, phát triển Thủ Đức, Thủ Thiêm, rồi Cát Lái.
Những ý tưởng như vậy đã phải trải qua các giai đoạn, dần dần trong quá trình đó, chúng ta càng ngày càng nhận thức được sông Sài Gòn không phải chỉ trở thành trung tâm, thành trục phát triển chính mà chúng ta càng nhận thấy vai trò cảnh quan thiên nhiên, môi trường.
Từ quan điểm nặng về kinh tế, bây giờ đối với sông Sài Gòn thì kinh tế phải gắn liền với môi trường, với cảnh quan thực tế. Thấy được tiềm năng kinh tế bên trong cảnh quan, hay nói cách khác, bản thân cảnh quan, môi trường là một yếu tố tạo nên các lợi nhuận. Đó có thể là lợi nhuận thứ cấp, nhưng đó là hướng đi của bền vững, dài lâu.
Trong các nguồn chưa khai thác, còn phải kể đến mô hình giao thông tích hợp mà sông Sài Gòn có thể tạo ra, tức nó nối kết không chỉ đường thủy, đường bộ, mà kể cả tàu điện ngầm.Ảnh: Chí Hùng
Lâu nay tôi cũng thường nói lập quy hoạch phải xem xét tính khả thi của nó. Hồi nào giờ khi quy hoạch, đôi khi đề ra ý tưởng rất đẹp nhưng thường vướng vào các yếu tố liên quan đến quản lý, đặc biệt là tài chính, khả năng huy động nguồn lực. Ví dụ Thanh Đa chẳng hạn, có ý kiến chuyển một nửa bán đảo thành công viên - một đề xuất tuyệt vời liên quan phát triển sông Sài Gòn. Tuy nhiên, bài toán về kinh tế đất là phải tính. Cân nhắc phát triển thương mại dịch vụ thì chắc chắn giá trị đất sẽ cao hơn rất nhiều so với ý tưởng làm sinh thái. Tôi muốn nói cần phải làm rất nhiều việc, vừa phải tính toán một cách toàn diện, vừa phải thuyết phục, vận động, làm cho người ta hiểu, rất nhiều người hiểu thì mới khả thi.
Đây là bài toán rất phức tạp không chỉ ở nước mình, thế giới cũng thế thôi. Người ta thường không thấy được giá trị của môi trường sinh thái. Ai cũng dè dặt khi bỏ tiền ra để làm cho môi trường bởi không thấy lợi ích gì trước mắt. Có thể nói công cuộc tuyên truyền, vận động để mọi người nhìn thấy được giá trị của sinh thái và huy động nguồn lực cho nó là một vấn đề rất lớn.
Tương tự, với toàn cảnh dọc sông Sài Gòn trong đề xuất của các chuyên gia Pháp, vẫn phải nghiên cứu bài toán kinh tế đất một cách toàn diện. Không thể chỉ thấy kinh tế đất theo kiểu trước mắt mà phải tính kinh tế đất trên cơ sở tất cả các yếu tố môi trường, tự nhiên, sinh thái và tính rộng ra những tác động đến toàn bộ thành phố.
Cái nhìn toàn diện này nhằm tìm ra các nguồn lực để cho tính khả thi của dự án thật cao, chứ chưa gì đã nhăm nhăm vào chuyện bán đất lấy tiền thì không bao giờ làm được cả. Chuyện vướng bấy lâu nay là hễ cứ lập quy hoạch ở đâu thì giá đất ở đó tăng chóng mặt cũng là một vấn đề của kinh tế đất.
Ông Trần Hữu Phúc Tiến (Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM):
Cần triển khai sớm các dự án kinh tế - xã hội liên quan sông Sài Gòn
Là một thành viên của nhóm chuyên gia Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tham gia nghiên cứu phát triển quy hoạch mới của TP.HCM và hành lang sông Sài Gòn, tôi thấy các ý tưởng do AVSE Global đưa ra rất thú vị.
Chúng tôi hoan nghênh việc phát triển sông Sài Gòn không chỉ nhằm đến lợi ích của TP.HCM mà còn tạo thêm sự liên kết và lợi ích cho toàn vùng, bao gồm Đông Nam bộ (Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) và các vùng sông nước miền Tây liền kề TP.HCM như Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Mặt khác, việc phát triển sông Sài Gòn cũng tạo thêm sự liên kết giữa các quận, huyện của TP.HCM dọc theo hai bên bờ sông là Củ Chi, Hóc Môn, 12, 1, 4, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Nhà Bè, Cần Giờ và TP. Thủ Đức.
Chúng tôi nhận thấy từ hơn 3 năm nay lãnh đạo thành phố đã phát động ý tưởng phát triển sông Sài Gòn, hay nói đúng ra là ý tưởng trở lại phát triển khu vực sông Sài Gòn. Đó là một định hướng rất tốt và kịp thời. Tuy nhiên cho đến nay về mặt thực hiện chủ trương, hiện chỉ do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đảm nhiệm. Theo tôi, đã đến lúc chủ trương, định hướng này cần được chuyển thành một nhóm các dự án kinh tế - xã hội được thực hiện bởi nhiều sở, ban, ngành và các đơn vị quận, huyện.
Đặc biệt cần có sự tham gia nhiều hơn của các viện nghiên cứu, các trường đại học và các hội, đoàn chuyên môn một cách dài hạn. Đây là một nhóm dự án lớn lao và quan trọng, cho nên cần có bộ máy thường trực liên ngành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của UBND TP.HCM, và có kinh phí phù hợp (huy động từ ngân sách cũng như các nguồn lực khác của xã hội).
Tôi mong rằng việc khảo sát, nghiên cứu hiện trạng và các tiềm năng phát triển sông Sài Gòn sẽ được tiếp tục thực hiện sâu rộng, với mục tiêu hoàn thành trong năm 2024. Để sau đó, các kết quả nghiên cứu sẽ được thẩm định nhiều mặt và xét duyệt kỹ lưỡng. Từ đó, hình thành nên các kế hoạch cụ thể để thực thi sớm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thí dụ, cần kết luận sớm vị trí để tái thiết và xây mới các bến tàu, địa điểm du lịch dọc sông Sài Gòn từ thượng nguồn Tây Ninh cho đến Cần Giờ. Trong khi đó, cũng cần xác định ngay việc trồng cây và hình thành các công viên dọc theo hai bên bờ sông nên làm như thế nào. Liên quan đến vấn đề này, nhóm chuyên gia trong nước đã đề nghị khởi tạo khoảng 50 công viên sinh thái kết hợp với du lịch.
Đề nghị của nhóm AVSE Global về việc xây dựng bán đảo Thanh Đa thành công viên sinh thái kiểu mẫu là một ý tưởng hay, cần đưa vào khảo sát, đánh giá và có phương án khả thi.
Thêm nữa, chính quyền cần có kế hoạch liên ngành để bảo vệ và làm sạch nguồn nước sông Sài Gòn, chống nhiễm mặn và tìm kiếm thêm các nguồn nước ngầm trên bờ. Cần ưu tiên lập kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, hoặc chiếm dụng nhiều đất dọc bờ sông.
Ngoài ra cần bổ sung việc thành lập các cơ sở nghiên cứu khoa học kết hợp đào tạo và đổi mới sáng tạo về sông biển, môi trường, du lịch, công nghiệp đóng du thuyền tại những địa điểm phù hợp ở hành lang sông và khu vực Cần Giờ. Nhiều chuyên gia cũng đã nói đến việc xây dựng các cây cầu và đường hầm băng qua sông Sài Gòn, trong đó có bán đảo Thủ Thiêm, phải kết nối được với giao thông đường bộ sẵn có và dự kiến trong tương lai một cách hiệu quả. Trong đó có vấn đề độ cao thích hợp của các cây cầu cho việc lưu thông tàu thuyền lớn trên sông không bị trở ngại.
Thiết nghĩ, trong tương lai gần, sẽ có rất nhiều dự án lớn nhỏ liên quan đến sông Sài Gòn đem đến nhiều nguồn lợi đa dạng cho kinh tế và văn hóa của toàn xã hội. Vì vậy chính quyền cần sớm phổ biến rộng rãi các ý tưởng, đề xuất quy hoạch, đề xuất kinh tế - xã hội cho toàn bộ dân cư của TP.HCM và các tỉnh thành liên quan, nhất là giới kinh doanh và giới khoa học. Các dự án phát triển sông Sài Gòn cũng chính là “dư địa” cho các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp, thực hành khoa học và hoạt động sáng tạo.
TS. Jackie Ong (Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT):
Đa dạng hóa trải nghiệm sông nước
Ẩn mình đan xen giữa những con đường sôi động của TP.HCM là mạng lưới sông ngòi và hệ thống đường thủy phong phú, giàu tiềm năng. Đây là một kho báu đang chờ được khai phá. Sông Sài Gòn, tựa như một sợi ruy băng uốn lượn khéo léo len qua trái tim thành phố, mở ra trải nghiệm du lịch sông nước đầy quyến rũ.
Dọc theo hai bên bờ là hàng loạt hoạt động lấy con sông làm trọng tâm, từ những chiếc du thuyền thong dong nhàn nhã đến các chợ sầm uất náo nhiệt và trải nghiệm ẩm thực ven sông mê hoặc. Trải nghiệm phong phú này mang lại cho du khách một góc nhìn độc đáo, cho phép họ, trong phút chốc, thoát ra khỏi nhịp sống đô thị ồn ã và chiêm ngưỡng khía cạnh yên bình thường bị ẩn giấu của thành phố. Nó khắc họa bản chất cốt lõi của nhu cầu du lịch hiện nay, khi du khách khao khát có được những kết nối chân thực và trải nghiệm sâu sắc.
Đáp ứng hài hòa xu hướng này, du lịch sông nước vẫy gọi các “nhà thám hiểm” đắm mình khám phá lịch sử đa tầng, văn hóa phức tạp, những kiệt tác kiến trúc và cuộc sống thường nhật của thành phố.
Hiện tuyến buýt sông vận hành dọc theo sông Sài Gòn đem lại cho du khách một góc nhìn mới lạ và tuyệt đẹp để trải nghiệm bức tranh thị thành. Tuy nhiên, nó cũng còn những trở ngại riêng. Để khai thác triệt để tiềm năng của sông Sài Gòn, bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, việc tăng cường các hoạt động quảng bá và đa dạng hóa trải nghiệm sông nước là những hướng đi đầy hứa hẹn.
Quốc Ngọc - Duy Thông thực hiện