Cần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội XV thông qua ngày 10/6/2020) đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tính đến nay có tới 60 văn bản hướng dẫn. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường bổ nhiệm tổ chức, giám định viên tư pháp. Toàn quốc hiện có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự; có 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực và có 7.135 giám định viên tư pháp, 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc.
Hoạt động giám định tư pháp chủ yếu được thực hiện theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, chủ yếu là theo trưng cầu của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; trưng cầu giám định của các cấp tòa án, cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Từ năm 2018 đến 30/6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện 1.039.615 vụ việc. Chất lượng công tác giám định chuyển biến mạnh, các chuyên ngành giám định ngày càng được triển khai chuyên sâu hơn. Đối với Đề án Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250) thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan.
Tuy vậy, thực tế hoạt động này vẫn còn hạn chế nhất định, nhất là thiếu các tổ chức chuyên môn thực sự có năng lực phù hợp với nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng đang từng ngày mở rộng đến các lĩnh vực mới, chế độ ưu đãi chưa cao. Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện kết quả, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó, đưa ra giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp từ địa phương đến các bộ, ngành. Các ý kiến tham luận, đề xuất rất sát, ý nghĩa và phù hợp với tình hình thực tiễn. Khẳng định tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp;kết luận giám định là chứng cứ mang tính chuyên môn đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhanh chóng các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng kinh tế nói riêng. Do vậy, cần phải quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, trong đó, tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.