Cẩn trọng kẻo sập bẫy khi sử dụng các dịch vụ online
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ online, người dân kiểm tra rõ các thông tin thông qua website chính thức của đơn vị và các nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Trong trường hợp sập bẫy hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, người dùng cần báo cáo cho cơ quan công an và các tổ chức bảo vệ người dùng.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (22 -28/7). Đáng chú ý là mạo danh chương trình truyền hình "Trạng nguyên tiếng Việt 2024" và dụ chơi game online có thưởng để chiếm đoạt tiền, tài sản.
Theo đó, đường dây nóng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ghi nhận tình trạng một số trường hợp mạo danh CIC và VTV nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Nắm bắt được tâm lý của phụ huynh mong muốn cho con tham gia chương trình “Trạng nguyên Tiếng Việt” do VTV tổ chức, các đối tượng lừa đảo đã lập nhóm “hỗ trợ” qua kênh chat Messenger của mạng xã hội Facebook. Trong đó có các tài khoản mạo danh là điều phối viên của VTV và “bộ phận hỗ trợ giải ngân” của CIC.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ online.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là đưa ra nhiều hình ảnh được thiết kế tinh vi, các thông tin “nửa đúng, nửa sai” gây nhiễu, khiến nhiều bậc phụ huynh dễ dàng tin tưởng. Khi nạn nhân đã sập bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán các khoản tiền như phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng liền đưa ra thông báo do phụ huynh nhập “mã lệnh” sai dẫn đến tình trạng tiền bị treo trên hệ thống. Để được giải ngân thì phải thực hiện chuyển khoản đúng cú pháp, dẫn đến việc phụ huynh tiếp tục chuyển tiền nhiều lần với mong muốn lấy lại được số tiền đã mất trước đó.
Theo ghi nhận, một số phụ huynh đã bị lừa, đặc biệt có trường hợp đã chuyển số tiền lên tới hàng tỷ đồng. CIC khẳng định, đây là hành vi mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ online, người dân kiểm tra rõ các thông tin về sản phẩm dịch vụ và đơn vị cung cấp thông qua website chính thức của đơn vị và các nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Trong trường hợp sập bẫy đối tượng hoặc nghi ngờ bản thân gặp phải trường hợp lừa đảo, người dùng cần báo cáo vụ lừa đảo cho cơ quan công an và các tổ chức bảo vệ người dùng.
Đồng thời, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân (CMND, CCCD) cho các bên cung cấp dịch vụ. Chỉ chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy.
Khi thấy cuộc gọi, tin nhắn xưng là đại diện cơ quan, tổ chức mời gọi, yêu cầu, đe dọa, ép buộc thực hiện việc chuyển tiền hoặc các việc khác thì tuyệt đối không vội tin, không làm theo.