Cẩn trọng mắc bẫy hợp đồng nghỉ dưỡng

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp đã tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân, từ đó chào mời khách hàng tham gia mô hình nghỉ dưỡng dài hạn. Theo khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) người dân phải hết sức lưu ý vì có những rủi ro nhất định.

Người tiêu dùng cần tìm đến những doanh nghiệp có uy tín để ký các hợp đồng nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa: T. Hằng.

Người tiêu dùng cần tìm đến những doanh nghiệp có uy tín để ký các hợp đồng nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa: T. Hằng.

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, thời gian qua xuất hiện các mô hình kinh doanh với các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn (thường có thời hạn hợp đồng từ vài năm đến vài chục năm) dưới nhiều tên gọi như “Hợp đồng nghỉ dưỡng”, “Hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc”, “Hợp đồng kỳ nghỉ gia đình”, “Hợp đồng mua bán thẻ du lịch”...

Theo đó, người mua quyền nghỉ dưỡng, quyền sở hữu kỳ nghỉ được quyền sử dụng căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian dài hạn cho bản thân và những người mà khách hàng đăng ký. Đổi lại, khách hàng sẽ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ, thường từ 200 - 800 triệu đồng phụ thuộc vào loại căn hộ và thời gian. Ngoài ra, khách hàng có thể phải chi trả các khoản chi phí khác như phí duy trì, phí thường niên, phí chuyển nhượng, phí trao đổi và bên mua không được hủy ngang hợp đồng.

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, hiện có 3 loại hình nghỉ dưỡng dài hạn: Tuần nghỉ cố định trong năm tại một loại phòng nghỉ cụ thể, tuần nghỉ không cố định hay tuần thả nổi và thẻ kỳ nghỉ hay thẻ tích lũy điểm trừ dần linh động theo nhu cầu của khách hàng.

Về phía doanh nghiệp cung cấp kỳ nghỉ có thể sở hữu hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng. Trong trường hợp có sở hữu khu nghỉ dưỡng, sở hữu kỳ nghỉ có thể được bán dưới dạng "hình thành trong tương lai" như một hình thức huy động vốn để chủ sở hữu sử dụng tiền thu được vào việc xây dựng khu nghỉ dưỡng.

Theo phản ánh của người dân, hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân, đặc biệt là người cao tuổi.

Tại đây, các công ty sử dụng nhiều chiến lược bán hàng tinh vi, bài bản khiến nhiều người dân đặt cọc, ký hợp đồng một cách vội vàng ngay cả khi chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cũng như chưa được cung cấp, chưa nghiên cứu hợp đồng và che giấu một số thông tin quan trọng như nghĩa vụ của bên mua, các loại phí phát sinh, điều khoản bất lợi trong hợp đồng…

Khi nhận ra sản phẩm trên thực tế không đúng nguyện vọng, người dân yêu cầu bên bán chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận.

Kiểm tra hợp đồng, người dân mới phát hiện bên bán thiết kế nội dung giao dịch tiềm ẩn rủi ro theo hướng bất lợi cho bên mua. Cùng với đó, bên bán không sở hữu khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ.

Trước những rủi ro tiểm ẩn được người tiêu dùng phản ánh, để tránh tình huống không mong muốn xảy ra, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng, trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.

Đồng thời, trước khi quyết định ký hợp đồng, cần yêu cầu bên bán cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt ở những vấn đề: Xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài; so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng.

“Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung. Như mô tả dịch vụ được cung cấp, các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của doanh nghiệp; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…” - Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Bởi, hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như: phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... “Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng mà không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ” - Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho hay.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-trong-mac-bay-hop-dong-nghi-duong-10287029.html