Cẩn trọng phòng bệnh những ngày nắng nóng
Các bác sĩ lưu ý dù ít ra khỏi nhà, người dân cũng nên điều chỉnh sinh hoạt phù hợp với thời tiết
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM), cảnh báo người lớn tuổi cần đề phòng nhất trong mùa nóng là sốc nhiệt (say nắng).
Trẻ nhỏ, người lớn tuổi: dễ bị ảnh hưởng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong đêm 1, ngày 2-6, nhiệt độ các tỉnh Nam Bộ bao gồm TP HCM lên cao nhất 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C. Ở Hà Nội, nhiệt độ cao nhất là 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Dự báo 10 ngày tới, hầu hết các địa phương trên cả nước có nắng nóng hoặc nắng nóng gay gắt. Thời tiết này được các chuyên gia y tế cho là thời điểm thuận lợi cho nhiều vấn đề sức khỏe: sốc nhiệt, bệnh da liễu, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch...
Theo BS chuyên khoa I Lương Tố Quyên, Phòng khám Da liễu Khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), thời tiết mùa hè nắng nóng, dễ đổ mồ hôi là nguyên nhân của nhiều triệu chứng về da ở trẻ nhỏ: rôm sảy, ngứa ngáy, nổi mẩn... do đổ mồ hôi nhiều, bức bí; bỏng nắng nếu phơi nắng quá lâu...
"Nếu trẻ chỉ mới bị rôm sảy nhẹ, ngứa da nhẹ..., đa số có thể tự khỏi sau một thời gian giữ cho da khô thoáng: giữ phòng ở mát mẻ hơn, mặc quần áo chất liệu thoáng, lau mình hoặc tắm cho bé khi thấy đổ mồ hôi nhiều (lưu ý lau khô người sau khi tắm)... Trường hợp có dấu hiệu bỏng nắng thì tránh tiếp xúc với nắng gắt. Có một số loại kem dưỡng hỗ trợ điều trị thuộc nhóm có thể mua không cần toa, phụ huynh có thể mua cho trẻ ở nhà thuốc" - BS Tố Quyên khuyến cáo.
BS Tố Quyên nhấn mạnh với các trường hợp nhẹ, theo dõi tại nhà phải bảo đảm bé không có các dấu hiệu toàn thân: không sốt, vẫn ăn được, bú được. Nếu trẻ bị mệt, ăn uống kém, vấn đề trên da nặng, kéo dài thì phải đi khám để được điều trị, kê toa.
BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ cảnh báo người lớn tuổi cần đề phòng nhất trong mùa nóng là sốc nhiệt (say nắng). Đó thực ra là hiện tượng nhiệt độ cơ thể tăng cao do rối loạn trung tâm điều nhiệt, bị giãn mạch, mất nước qua mồ hôi. Say nắng nhẹ thì gây tăng nhịp tim, nhịp thở, đánh trống ngực, hồi hộp... Nặng hơn có thể là hoa mắt, chóng mặt, rã rời, khó thở, chuột rút; nặng hơn nữa là hôn mê, trụy tim mạch, tử vong. Người say nắng nhẹ cần vào chỗ mát, nghỉ ngơi, bù nước còn đã có biểu hiện nặng thì phải đến cơ sở y tế.
Trẻ em, người lớn tuổi, có bệnh mạn tính về tim mạch, nội tiết dễ bị say nắng hơn cả. "Ngược lại, thời tiết này cũng khiến những người mắc bệnh tim mạch dễ trở nặng, cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ví dụ tránh di chuyển đột ngột giữa căn phòng quá lạnh và ngoài trời nắng nóng, đi về mệt, đổ mồ hôi không nên tắm ngay. Ngoài ra, cần tránh mất nước, trước khi ra ngoài nên uống nước vừa đủ, ai có bệnh thì uống theo khuyến cáo của BS, khi về đến nhà thì nhanh chóng bù nước nếu thấy khát. Khi ra ngoài cần chuẩn bị mũ, áo chống nắng..." - BS Anh Vũ khuyên.
Cần điều chỉnh sinh hoạt
BS chuyên khoa II Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, khuyên người dân dù ở trong nhà hay có việc phải ra đường, cũng cần điều chỉnh lại sinh hoạt cho phù hợp với thời tiết, ngay cả khi thực hiện những thói quen có lợi.
"Khi thời tiết nắng nóng, chúng ta thường dễ bị mệt, dễ mất mồ hôi hơn khi vận động mạnh. Vì vậy, khi tập thể dục, dù là tại nhà, cũng cần chú ý tập vào giờ phù hợp và giảm thời lượng, cường độ một chút so với ngày thời tiết dễ chịu. Người có bệnh lý mạn tính, đã được BS khuyến cáo về việc tập thể dục phù hợp rồi thì càng không nên gắng sức. Nên bổ sung nước thường xuyên. Tập thể dục hay làm việc nặng tại nhà mà đứng lâu ngoài sân nắng gắt, mất nước vẫn có thể sốc nhiệt" - BS Vui lưu ý.
BS Nguyễn Khắc Vui lưu ý thêm hè cũng là mùa của các vấn đề rối loạn tiêu hóa, chủ yếu vẫn là nắng nóng làm thức ăn mau hư hỏng, vi khuẩn dễ sinh sôi. Vì vậy, nên chú ý bảo quản thức ăn, nhất là khi trong gia đình có người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có sức khỏe kém...
Nên khai báo y tế tại nhà
Theo BS Nguyễn Khắc Vui, mùa nóng thường là mùa bệnh hô hấp gia tăng, theo các thống kê là khoảng 15%, đa phần là do các siêu vi đường hô hấp. Nếu bệnh nặng thì phải đi khám, đó là điều chắc chắn. Nhưng do đây là thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân nên khai báo y tế tại nhà. Trên hệ thống khai báo y tế khi đi khám bệnh của TP HCM, chỉ cần ngồi ở nhà khai là có ho, sốt... hay các dấu hiệu nghi ngờ khác, cơ quan y tế sẽ lập tức nhận được thông báo. Khi bạn đến BV thì BV đã có sự chuẩn bị để sàng lọc, giúp bệnh nhân được điều trị chu đáo mà vẫn tránh được nguy cơ lây nhiễm Covid-19.