Cẩn trọng 'sập bẫy' lừa đảo thương mại quốc tế

Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, các DN lại phải đối mặt với nguy cơ bị tranh chấp, lừa đảo ngoại thương lớn hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải có sự cẩn trọng và nâng cao khả năng phòng ngừa để không bị 'sập bẫy' lừa đảo.

Nhiều DN Việt Nam mắc bẫy lừa đảo trong thương mại quốc tế. Ảnh minh họa: S.T

Nhiều DN Việt Nam mắc bẫy lừa đảo trong thương mại quốc tế. Ảnh minh họa: S.T

Gia tăng nguy cơ lừa đảo trong thương mại quốc tế

Thời gian gần đây, Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục thông tin về nhiều trường hợp, vụ việc DN Việt Nam gặp rủi ro hoặc mắc bẫy lừa đảo khi giao thương với đối tác nước ngoài tại một số thị trường trên thế giới. Đơn cử, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã có cảnh báo với DN về tình hình lừa đảo tại thị trường này. Theo đó, một DN Việt Nam đã bị lừa đảo đến gần 80.000 USD trong một thương vụ làm ăn với bạn hàng nước ngoài. Cụ thể, DN lừa đảo đã mở tài khoản tại ngân hàng dưới tên một DN nhập khẩu có quy mô và uy tín của nước bạn, ký hợp đồng với DN Việt Nam và sau đó đã rút toàn bộ tiền tạm ứng cũng như tiền hàng mà DN Việt Nam chuyển vào. Dù Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã nhanh chóng vào cuộc, song khả năng DN bị mất số tiền này là rất cao.

Bình luận về thực trạng lừa đảo trong thương mại quốc tế, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco - cho biết có một số “bẫy” lừa đảo phổ biến hiện nay, như: Đối tác nước ngoài tạm ứng tiền với một số lượng nhỏ để đặt hàng, sau đó nhận hàng mà không tiếp tục thanh toán; hoặc đối tác thực hiện các giao dịch thanh toán bằng hình thức thư tín dụng (L/C), nhưng cấu kết với một số khâu trung gian để lấy được bộ chứng từ gốc để nhận hàng mà không thanh toán…

Nhận diện về nguyên nhân, ông Phong cho rằng, nhiều DN Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, thiếu hiểu biết về các tập quán thương mại và thông lệ xuất khẩu hàng hóa quốc tế dẫn tới việc sa vào bẫy của những nhóm lừa đảo xuyên quốc gia. Trong thương mại quốc tế, bên cạnh pháp luật thành văn do chính quyền các quốc gia ban hành thì tập quán và thói quen thương mại cũng là một yếu tố quan trọng, do đó, nếu DN Việt nắm rõ các tập quán, thói quen này thì sẽ dễ dàng nhận ra sự bình thường hay bất thường trong các giao dịch.

Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam không có thói quen tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, quá tin tưởng vào một vài môi giới cá nhân mà chưa chú trọng vào việc xác minh thông tin. Ngoài ra, một số vụ việc đối tác nước ngoài lợi dụng điểm yếu về pháp lý của DN Việt Nam để đổ lỗi cho hàng hóa kém chất lượng, giao hàng chậm để từ chối thanh toán, nhưng phía DN Việt không thể kiện vì chi phí thuê luật sư ở nước ngoài quá đắt, hoặc không biết cách xác định căn cứ pháp luật khi có tranh chấp, nên bị mất hàng, chấp nhận thiệt hại về tài chính.

Đặc biệt, nhiều DN chưa thực sự chú trọng đúng mực vai trò của việc đàm phán và soạn thảo những bộ hợp đồng chuẩn. “Một số vụ việc tranh chấp, bị lừa đảo mà tôi tham gia tư vấn, hỗ trợ gần đây, hai bên mua bán hàng hóa nhiều triệu USD nhưng chỉ có bản hợp đồng dài 2 trang. Điều đó cho thấy, nhiều DN Việt còn xem nhẹ việc cần soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ” - ông Phong nói.

Theo một kết quả nghiên cứu của PwC Việt Nam, có 52% DN Việt cho biết họ đã từng trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế; con số này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Chia sẻ thêm về những tổn hại đối với DN khi bị mắc bẫy lừa đảo, ông Phong cho rằng, trước hết DN sẽ bị mất hàng hóa, mất tiền, trong nhiều trường hợp vượt quá khả năng chịu đựng của DN. Bởi lẽ, trên thực tế ghi nhận có không ít trường hợp DN xuất khẩu phải tạm dừng hoạt động hoặc quay về thị trường trong nước do một số đơn hàng lớn và quan trọng bị mất ở nước ngoài, vì sau những đơn hàng đó, DN đã bị “cụt vốn”, rơi vào tình trạng nợ nần.

Bên cạnh đó, nhiều DN xuất khẩu không trực tiếp sản xuất hoặc chỉ sản xuất ở giai đoạn sau cùng, nên khi bị lừa đảo DN bị mất uy tín, mất khả năng hợp tác với các nhà cung cấp, từ đó DN mất chỗ đứng trên thị trường…

Có nhiều "bẫy" lừa đảo trong thương mại quốc tế, DN cần cẩn trọng. Ảnh minh họa: S.T

Có nhiều "bẫy" lừa đảo trong thương mại quốc tế, DN cần cẩn trọng. Ảnh minh họa: S.T

Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa để tránh “sập bẫy” lừa đảo

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, hiện nay, Việt Nam đã là một nền kinh tế rất mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đã hơn 200% GDP và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các DN làm ăn với nhiều đối tác hơn thì DN cũng phải đối mặt với nhiều hình thức tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng lớn hơn, phức tạp hơn. Do đó, các DN Việt Nam cần hết sức thận trọng và nâng cao khả năng phòng ngừa, nhằm giảm thiểu các rủi ro khi giao thương với đối tác nước ngoài.

Đưa khuyến nghị cụ thể, các chuyên gia cho rằng, trước hết, các DN cần kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng, toàn diện các thông tin về đối tác trước khi đàm phán, ký hợp đồng kinh doanh. Đối với các đối tác lần đầu giao dịch, hợp đồng lớn, DN cần làm việc trực tiếp với đối tác tại nước sở tại, tránh chỉ giao dịch trực tuyến qua mạng internet. Đối với việc thanh toán, DN cần lựa chọn phương án thanh toán đảm bảo an toàn như L/C không hủy ngang và yêu cầu ngân hàng kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Các DN cũng cần tính đến phương án bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng, mua bảo hiểm hàng hóa để giảm thiểu rủi ro…

Luật sư Hà Huy Phong chia sẻ thêm, DN nên tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia pháp lý để tìm hiểu về các “bẫy” lừa đảo nhằm nhận diện các cách thức lừa đảo để né tránh khi phát hiện dấu hiệu khả nghi. Mặt khác, trong trường hợp DN không thông thạo về việc soạn thảo hợp đồng, DN nên nhờ đến sự hỗ trợ của đội ngũ tư vấn như các luật sư, chuyên gia thương mại quốc tế, nhằm soạn thảo được các bộ hợp đồng chặt chẽ, nhất là với những hợp đồng lớn. Ngoài ra, DN nên chủ động và thường xuyên giữ liên lạc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, để đề nghị sự hỗ trợ của các cơ quan đó về cung cấp thông tin, xác minh thông tin hoặc khi có các sự cố xảy ra.

Về phía cơ quan chức năng, để hỗ trợ các DN xuất khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, Bộ, ban, ngành liên quan tới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho DN thông tin, kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế. Tới đây, Bộ sẽ triển khai hoạt động liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực cho DN tham gia hoạt động thương mại quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình thị trường cũng như khuyến cáo DN Việt Nam. Đồng thời, các Thương vụ cũng sẽ là cầu nối giúp DN xác minh thông tin liên quan đến đối tác, bạn hàng mà DN đang tiến hành giao dịch quốc tế; hỗ trợ DN giải quyết tranh chấp thương mại nếu có xảy ra, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho DN./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/can-trong-sap-bay-lua-dao-thuong-mai-quoc-te-34332.html