Cẩn trọng với bánh, kẹo 'lạ' ngoài cổng trường
Liên tiếp những vụ việc ngộ độc do ăn kẹo lạ được bày bán gần cổng trường một lần nữa dấy lên lo ngại về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại môi trường học đường.
Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những thông tin về tình trạng học sinh ngộ độc do ăn kẹo, bánh lạ từ những tiệm tạp hóa gần cổng trường. Sáng 28/11, tại trường THCS Nguyễn Du, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận một số học sinh có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn sau khi ăn kẹo lạ được mua gần trường.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ghi nhận nhiều học sinh ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn và trường THCS&THPT Hoành Mô, huyện Bình Liêu bị ngộ độc thực phẩm với cùng các biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn cũng do ăn kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Những ngày sau đó, một số tỉnh, thành phố cũng xuất hiện trường hợp các em học sinh có biểu hiện ngộ độc với lý do tương tự. Ngày 29/11, 10 học sinh trường THCS Nguyễn Quý Đức, Hà Nội mua kẹo lạ mang vào trường chia nhau ăn, bị đau bụng, buồn nôn, chóng mặt phải cấp cứu ở trạm y tế phường. Ngày 30/11, xuất hiện thêm thông tin, 2 học sinh trường THCS Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn đã sử dụng gói kẹo này khi vào giờ học và các em có biểu hiện lạ nên đã được theo dõi ở phòng y tế nhà trường. Ngay khi nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng của các địa phương đã nhanh chóng rà soát và thu giữ một khối lượng lớn các loại kẹo do nước ngoài sản xuất không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Theo điều tra, số kẹo lạ gây ngộ độc cho các em đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đó là những loại kẹo có bao bì bắt mắt, nhiều màu sắc, thường có vị hoa quả, bạc hà the mát. Mỗi gói kẹo chỉ có giá từ 3.000-10.000 đồng/gói, từ 12-15 viên, hoặc một túi 100-300gr, giá từ 30.000-70.000 đồng cho 100-300 viên kẹo.
Hầu hết trên bao bì những gói kẹo đều ghi chữ nước ngoài nhưng lại không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện những nội dung trên sản phẩm. Theo quy định theo khoản 3, Điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ, những sản phẩm nhập khẩu không thể hiện nội dung tiếng Việt, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt là những mặt hàng không đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường. Nhưng đáng buồn là những loại kẹo này lại được bày bán công khai ở gần các trường tiểu học, THCS, thậm chí còn được quảng cáo tràn lan trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, dễ dàng cho các em học sinh tiếp cận.
Là một phụ huynh của học sinh lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội, chị Ngân bày tỏ sự quan ngại về vấn đề này: “Mặc dù bản thân có dặn con không được tùy tiện mua những đồ quà bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán ở trước cổng trường nhưng thực tế con có tiếp cận đến những sản phẩm đó hay không thì tôi không thể chắc chắn”.
Chị cho biết, những mặt hàng được bày bán ở gần cổng trường học có bề ngoài bắt mắt, nhiều màu sắc, có những món hàng còn có đồ chơi đính kèm, bản thân chị là người lớn cũng cảm thấy tò mò chứ không chỉ riêng những em học sinh.
Cùng chung mối bận tâm, anh Thịnh, phụ huynh của học sinh lớp 2 trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội kể lại có đôi lúc con anh đi học về và khoe được bạn bè chia cho một vài viên kẹo, gói bánh với bao bì nhiều màu sắc và chi chít chữ nước ngoài mà anh không thể dịch được. Anh chia sẻ: “Khi tôi ngỏ ý muốn bỏ đi vì lo cháu bị ngộ độc thì cháu lại trả lời rằng bạn cháu vẫn mua thường xuyên ở những hàng gần trường, bạn cháu và bản thân cháu cũng đã từng ăn nhưng không thấy có vấn đề gì”.
Ngay sau khi có thông tin về loại kẹo lạ này, nhà trường và lực lượng chức năng đã đồng loạt có những động thái để cảnh báo cho người dân. Sở Giáo dục các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nội... đã ra công điện khẩn yêu cầu nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường nếu bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cũng chủ động tuyên truyền tới các bậc phụ huynh cảnh giác với loại kẹo này, quán triệt với học sinh không được mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng các địa phương cũng ngay lập tức rà soát trên địa bàn những cửa hàng bán tạp hóa, đồ ăn vặt gần trường để kiểm tra, xử lý sai phạm về việc tiêu thụ hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Như Công an TP Vinh, Nghệ An qua kiểm tra 63 ki ốt, đã phát hiện 32 ki ốt vi phạm, thu giữ gần 5.000 sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Công an TP Lào Cai cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra và thu giữ lô hàng 6 thùng kẹo trái cây 7 màu không rõ nguồn gốc đang chuẩn bị được mang đi bán tại các cổng trường học trên địa bàn. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng tích cực tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về những nguy cơ tiềm ẩn khi tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kêu gọi người dân liên hệ với cơ quan chức năng ngay khi phát hiện những mặt hàng này, nhất là trong khoảng thời gian cận Tết, nhu cầu mua bánh kẹo của người dân tăng cao.
Sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc với chất lượng không đảm bảo có thể không gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngay nhưng về lâu dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà chúng ta ít ngờ tới. Sau những vụ việc ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra gần đây, hầu hết những loại kẹo lạ đã không còn trên quầy hàng của các cửa hàng tạp hóa nữa, tuy nhiên, chúng vẫn còn được rao bán trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hoặc được một số tiểu thương trà trộn, để chung với những món hàng khác.
Chính vì vậy, để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ cần sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mà còn rất cần sự chung sức của cả cộng đồng.