Cẩn trọng với cơn 'sốt đất' ăn theo thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố

Từ khi thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố đang được các cơ quan chức năng xây dựng đến nay, tình trạng 'sốt đất' đã diễn ra trên khắp các địa phương. Giá đất nhảy múa như 'lên đồng' khiến nhiều người lo ngại.

Thi nhau tăng giá

Giá đất nền tại các địa phương lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam… đang “nhảy múa” từng ngày. Còn trên địa bàn Hà Nội, đất tại các huyện vùng ven cũng được các đội “cò”, môi giới nhà đất “thổi” lên ầm ầm, hình thành những “phố vẫy bất động sản” dù nhiều phiên đấu giá đất do chính quyền địa phương tổ chức thời gian gần đây có xu hướng đi xuống, giá giảm mạnh. Nhiều địa phương đã liên tục ra văn bản cảnh báo, thậm chí đề nghị công an vào cuộc điều tra, chấn chỉnh nếu có vi phạm đối với hiện tượng thổi giá đất.

Môi giới bất động sản hoạt động nhộn nhịp tại một dự án trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội

Môi giới bất động sản hoạt động nhộn nhịp tại một dự án trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội

Anh Vũ Công Khoa ở xã Đồng Tháp, Đan Phượng (Hà Nội) cho hay, từ đầu năm 2025 đến nay, hoạt động giới thiệu, thông tin về buôn bán đất đai trên địa bàn huyện Đan Phượng sôi động hẳn lên, đặc biệt từ khi có một số dự án bất động sản lớn triển khai. “Giá đất ở Đan Phượng đang được đội ngũ môi giới “thổi” lên từng ngày khiến chúng tôi khá hoang mang. Thậm chí tại một số khu vực giá còn đẩy lên đến mức không tưởng là 300 triệu đồng/m2. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng môi giới tung tin, “thổi” giá, gây bất ổn trong nhân dân” - anh Khoa bày tỏ.

Tương tự, giá bán đất nền tại nhiều nơi như TP Hưng Yên, huyện Văn Giang (Hưng Yên), TP Việt Trì, TP Ninh Bình, TP Bắc Giang... đã rục rịch tăng 5-15% so với cuối năm ngoái. Nhiều chủ đất còn rao giá tăng hơn 20% để hưởng lợi từ “sóng” sáp nhập. Anh Trần Đình Toàn, môi giới Công ty bất động sản Đông Đô (Hưng Yên) cho biết, giá đất ở đây đã tăng gấp nhiều lần so với 1 năm trước. Giá đất nền đang rất nhiễu loạn, ở những điểm nóng, giá tăng từng ngày dù hạ tầng không có gì đặc biệt.

Cũng như vậy, tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), giá đất nơi đây tăng 20-30%, đặc biệt có nơi đến 50%. Trong số đó phải kể đến là giá đất khu tái định cư phường Thanh Miếu. Trước Tết Nguyên đán 2025, giá mặt bằng chung dao động từ 25-30 triệu/m2, thì nay giá thấp nhất được chào bán 36 triệu đồng/m2 (tăng 20%).

Giá đất nhiều nơi “lên đồng” theo thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố

Giá đất nhiều nơi “lên đồng” theo thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố

Cảnh báo “sốt” ảo

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, gần đây tại một số khu vực trên địa bàn xuất hiện tình trạng “sốt” ảo bất động sản khi nhiều người thường xuyên tập trung tìm hiểu, cung cấp thông tin, thực hiện các giao dịch mua bán nhà, đất trong thời gian ngắn.

Một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin liên quan đến việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính để tung tin đồn, cố tình đẩy giá bất động sản lên cao không đúng bản chất thị trường, lôi kéo người dân tham gia xác lập các hợp đồng góp vốn, mua bán trái quy định. Thậm chí có biểu hiện dàn cảnh giao dịch mua đi bán lại với chênh lệch lớn nhằm lừa dối người mua, tạo tâm lý thu lợi cao nhanh chóng và dễ dàng. Một số chủ đầu tư có dấu hiệu huy động vốn không đúng pháp luật và sử dụng nhiều hình thức bán sản phẩm bất động sản khi chưa đủ điều kiện... Những hành vi đó làm nhiễu loạn và méo mó thị trường bất động sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua có nhu cầu thực sự, có nguy cơ làm phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện, gây mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Sở Xây dựng thiết lập ngay đường dây nóng tiếp nhận phản ánh và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh bất động sản. Đồng thời, Sở Xây dựng Bắc Giang phải tổ chức kiểm tra kịp thời, xử lý nghiêm theo thẩm quyền, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển ngay đến cơ quan công an để điều tra theo quy định. Cùng với đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Chi cục Thuế khu vực VI rà soát, đối chiếu thông tin để kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước về đăng ký kinh doanh tại tỉnh Bắc Giang đối với các chủ đầu tư, các sàn giao dịch bất động sản; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Không chỉ có Bắc Giang mà nhiều tỉnh, thành phố đã liên tiếp đưa ra cảnh báo nguy cơ “sốt” đất ảo, nhất là tại các khu vực được dự đoán là trung tâm hành chính mới. Công an tỉnh Thái Bình cũng vừa đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên tin theo những tin đồn. Nếu phát hiện hành vi gian lận, thao túng thị trường, cần sớm trình báo cho cơ quan công an gần nhất.

Tương tự, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ cảnh báo về nguy cơ “sốt” đất ảo trên địa bàn. Đơn vị này cho biết, đến nay lượng giao dịch tại các sàn vẫn hạn chế. Giá đất tăng cao chỉ là chiêu trò “thổi” giá của “cò đất”, người dân có nhu cầu mua đất cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh rơi vào bẫy làm giá của “cò”.

Các tỉnh Ninh Bình và Tuyên Quang cũng đưa ra cảnh báo tình trạng giá đất trên địa bàn tăng đột biến theo tin đồn. UBND tỉnh Ninh Bình giao Công an tỉnh kiểm tra các hoạt động giao dịch bất động sản, đặc biệt tại TP Hoa Lư để xác minh tình trạng tăng giá bất thường. Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang cũng khuyến cáo tình trạng đổ xô đi mua đất ở những khu vực do “cò mồi” đưa ra chỉ làm nhiễu loạn thị trường.

Nhiều rủi ro

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, thành phố, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, chủ yếu ở những nơi dự đoán là trung tâm sáp nhập. VARS cho biết, tình trạng “sốt” đất cục bộ không phải mới. Lịch sử thị trường cho thấy, mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý “FOMO” (sợ bị bỏ lại phía sau) của nhà đầu tư. Điều này dẫn đến họ tỏ ra khẩn trương và vội vàng hơn trong các quyết định mua đất với niềm tin rằng, sự thay đổi chắc chắn sẽ kéo theo phát triển kinh tế, xã hội, cùng với đó là giá bất động sản cũng tăng theo. Ở thời điểm hiện tại, quyết định này còn được thúc đẩy và cộng hưởng bởi dự đoán việc điều chỉnh bảng giá đất trong thời gian tới ở các địa phương sẽ gián tiếp đẩy giá đất tăng.

Thực tế cho thấy, phần lớn các đợt tăng giá này đều mang tính chất đầu cơ. Bởi lẽ, kể cả khi có sự thay đổi về mặt hành chính liên quan đến quyết định sáp nhập, thì cũng chưa chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển vượt trội tại các khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn, đặc biệt là ở bối cảnh giá bất động sản đang bị đẩy lên cao so với thu nhập của phần đông người dân. VARS cũng cảnh báo, các quyết định vội vàng khi nghe thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố và chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ sẽ khiến nhà đầu tư phải đối diện với nhiều rủi ro. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, không đủ lực trụ đến khi giá bất động sản thật sự tăng.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-trong-voi-con-sot-dat-an-theo-thong-tin-sap-nhap-tinh-thanh-pho-post607451.antd