Cẩn trọng với kiến ba khoang, vì độc tố mạnh gấp 12-15 lần rắn hổ mang
Những ngày gần đây, rất nhiều người đi khám và điều trị do bị kiến ba khoang đốt, nhiều trường hợp bị lở loét nặng.
Theo các bác sĩ, kiến ba khoang có độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, dễ nhầm với zona thần kinh. Tuy nhiên người dân không thể chủ quan khi bị kiến ba khoang đốt.
Những biểu hiện bị kiến ba khoang đốt: Bệnh thường xuất hiện ở vùng hở: Mặt, cổ ngực, vai, gáy, tay chân... Mức độ bệnh phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và nồng độ chất tiết của kiến ba khoang như rát đỏ thành vệt, thành đám nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ li ti, vùng trung tâm thương tổn hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn tiếp tục xuất hiện mặc dù không còn hiện diện của kiến ba khoang, do trẻ tiếp tục va quệt từ vùng da bệnh sang vùng da lành. Ngứa, rát bỏng hoặc đau tại chỗ nên có thể quấy khóc, hoặc sờ chạm vào tổn thương gây lây lan. Thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Cách xử lý khi bị kiến ba khoang đốt: Loại bỏ côn trùng, không dùng tay trần để bắt, giết, miết; rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ. Khi thương tổn đã phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp.
Nếu nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Nếu bệnh trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm. Thuốc toàn thân: Giảm ngứa, giảm đau hoặc kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.
Tuyệt đối không sử dụng tự ý mua thuốc điều trị theo hướng zona hoặc giời leo, tự ý bôi các thuốc màu, lá cây hoặc sử dụng các biện pháp dân gian khác làm cho vết thương bị loét, lan rộng thậm chí nhiễm trùng.
Cách chăm sóc người bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang: Cần được tắm gội hằng ngày, tránh quệt từ thương tổn sang vùng da lành của trẻ hoặc da người chăm sóc. Nên cho trẻ mặc quần áo dài mỏng, chất liệu thấm, mát; chế độ ăn uống bình thường, không kiêng bất kỳ loại thức ăn nào; thương tổn nhiều, lan rộng, nên cho trẻ nghỉ học để kiểm soát bệnh và tránh lây cho trẻ khác.