Cẩn trọng với nguy cơ hỏa hoạn từ thiết bị, máy sấy quần áo trong mùa nồm
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, nếu người dân sử dụng các thiết bị, máy sấy quần áo không đúng cách hoặc mua phải sản phẩm không đúng tiêu chuẩn sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao trong mùa nồm.

Máy giặt sấy là "cứu tinh" trong những ngày mưa ẩm. (Nguồn: Vietnam+)
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hiện nay thời tiết tại các tỉnh miền Bắc đang mưa phùn, sương mù, tiết nồm, độ ẩm tăng lên rất cao kéo theo nhu cầu sử dụng các loại máy như máy sấy quần áo hay tủ sấy quần áo của người dân gia tăng.
Tuy nhiên, nếu người dân sử dụng các thiết bị này không đúng cách hoặc mua phải các sản phẩm kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Ẩm ướt có thể làm cho nguồn điện chập chờn, đánh tia lửa điện và chập cháy khi các điểm nối, ổ nối không chuẩn, hở hoặc ôxy hóa. Các thiết bị cũng vậy, dây dẫn, nguồn dẫn, vi mạch trong thiết bị máy sấy, máy hút ẩm bị chập chờn do ẩm mạch dẫn đến chập cháy khi có đồ đạc bắt lửa để gần cạnh có thể làm cháy lan, cháy lớn.
Việc cháy, nổ từ máy sấy quần áo không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, cần phải hiểu rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và giải pháp khi gặp sự cố liên quan đến cháy, nổ từ máy sấy quần áo.
Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ từ máy sấy quần áo
Không vệ sinh máy sấy thường xuyên
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cháy máy sấy là do không vệ sinh kỹ lưỡng, bởi vì bẫy lọc không thể bắt tất cả xơ vải từ quần áo, xơ vải có thể tích tụ dần dần và bắt lửa trong bộ phận làm nóng hoặc ống xả.
Xơ vải không được loại bỏ hoàn toàn qua bẫy lọc có thể tích tụ và châm ngòi cho ngọn lửa. Tình trạng tắc nghẽn trong hệ thống thông gió cũng góp phần làm tăng nhiệt độ, từ đó dễ dẫn đến cháy.
Bộ phận điều khiển bị hỏng
Lỗi cơ và điện chiếm một phần đáng kể trong các vụ cháy máy sấy. Nguyên nhân là do bộ phận làm nóng bị đoản mạch hoặc vòng bi quá nóng không còn quay tự do và hệ thống dây điện cũ.

Một vụ cháy máy sấy quần áo. (Nguồn: Cục Phòng cháy, chữa cháy)
Dùng sai hướng dẫn sử dụng
Sử dụng máy sấy không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất như việc sấy các vật dụng không an toàn như thảm cao su hoặc nhựa vinyl,...
Những vật dụng này thường sẽ có nhãn cảnh báo khuyến cáo không nên cho vào máy sấy. Việc sử dụng không đúng cách cũng bao gồm việc nhồi quá nhiều vào máy sấy, điều này ngăn cản quá trình thông gió thoát khí và gây áp lực lớn hơn cho động cơ quay lồng.
Bỏ quên vật dễ cháy nổ trong quần áo
Nhiều người có thói quen hút thuốc lá và để bật lửa trong túi áo hoặc túi quần. Nếu chẳng may để quên bật lửa và cho vào máy sấy, dưới tác dụng của nhiệt sẽ có nguy cơ hỏa hoạn rất cao.
Sử dụng máy sấy quần áo kém chất lượng
Việc sử dụng hàng không chính hãng, hàng giả, nhái kém chất lượng là điều cực kỳ nguy hiểm, đưa bạn và gia đình đến những thiệt hại khó lường trước được. Vì vậy, bạn cần phải lưu ý khi mua sắm sản phẩm để dùng được an toàn, bền lâu và hiệu quả nhất.
Thực tế hiện nay có một số máy sấy quần áo có thiết kế đơn giản quây bằng vải, nilon dựng bởi khung thép phía dưới có môtơ quạt và mayso tạo nóng. Khi móc quần áo vào trong tủ sấy này, nếu sơ ý quần áo rơi khỏi móc hoặc để máy chạy quá lâu cũng đều có thể gây cháy máy và dẫn tới cháy lan ra nhà.
Vị trí lắp đặt không phù hợp
Lắp đặt máy sấy gần các vật liệu dễ cháy như rèm cửa, thảm hoặc tủ quần áo có thể tạo ra nguy cơ cháy, nổ. Vì vậy, cần lưu ý khi lắp đặt máy sấy và đảm bảo khoảng cách an toàn giữa máy và các vật liệu dễ cháy.
Nguồn điện: Điện áp quá cao hoặc quá thấp có thể gây hư hỏng máy sấy và tăng nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, cần kiểm tra nguồn điện trước khi sử dụng máy sấy và đảm bảo rằng nó đang hoạt động ở mức an toàn.
Cách phòng tránh nguy cơ cháy nổ từ máy sấy quần áo
Bảo dưỡng và vệ sinh máy sấy quần áo thường xuyên
Cần thường xuyên kiểm tra và vệ sinh máy sấy quần áo. Nếu thấy bụi bẩn tích tụ quá nhiều, hãy dùng bàn chải mềm để làm sạch bẫy lọc. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra các bộ phận của máy sấy như ống thông gió, bộ lọc và cửa máy để đảm bảo chúng không bị tắc nghẽn hoặc hư hỏng.
Kiểm tra ống thông gió
Ống thông gió là bộ phận quan trọng trong máy sấy, giúp thoát khí nóng ra ngoài và đảm bảo thông gió cho máy. Vì vậy, cần kiểm tra ống thông gió thường xuyên để đảm bảo không bị tắc nghẽn hoặc hư hỏng.
Kiểm tra bộ lọc
Bộ lọc giúp ngăn chặn bụi bẩn và xơ vải tích tụ trong máy sấy. Nếu không được làm sạch thường xuyên, bộ lọc có thể bị tắc nghẽn và gây nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, cần kiểm tra và làm sạch bộ lọc sau mỗi lần sử dụng máy sấy.
Kiểm tra cửa máy
Cửa máy cũng là một bộ phận quan trọng trong việc đảm bảo an toàn khi sử dụng máy sấy. Nếu cửa bị hư hỏng hoặc không đóng kín, khí nóng có thể thoát ra ngoài và gây cháy. Vì vậy, cần kiểm tra cửa máy thường xuyên và đảm bảo nó đang hoạt động tốt.
Sử dụng máy sấy quần áo phải đúng cách

Thiết bị điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây là yếu tố quan trọng nhất để tránh nguy cơ cháy nổ. Trước khi bắt đầu sử dụng, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và tuân thủ các chỉ dẫn về cách sử dụng máy sấy quần áo an toàn. Đảm bảo không sấy quá tải hoặc sấy các vật liệu không an toàn như nhựa, cao su có thể giải phóng khí dễ cháy.
Kiểm tra túi quần áo thật kỹ trước khi cho vào máy sấy
Bạn hãy kiểm tra thật cẩn thận xem có gì còn sót lại túi quần áo hay không.
Lắp đặt máy sấy quần áo ở vị trí phù hợp
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng máy sấy quần áo, cần lưu ý khi lắp đặt máy như đảm bảo khoảng cách an toàn giữa máy sấy và các vật liệu dễ cháy như rèm cửa, thảm hoặc tủ quần áo; đảm bảo máy sấy được lắp đặt ở một nơi thông thoáng và không có nhiều bụi bẩn; đảm bảo máy sấy được lắp đặt ở một nơi có nguồn điện ổn định và đủ công suất; đảm bảo ống thông gió được lắp đặt và kết nối chặt chẽ với máy sấy và ổn định trên tường hoặc trần.
Kiểm tra nguồn điện
Nguồn điện bất ổn cũng có thể gây hư hỏng máy sấy và tăng nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, cần kiểm tra điện áp trước khi sử dụng máy sấy và đảm bảo rằng nó đang hoạt động ở mức an toàn.
Lựa chọn máy sấy quần áo chất lượng, an toàn
Máy sấy quần áo chất lượng không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ mà còn tiết kiệm chi phí sửa chữa và thay thế do hư hỏng. Vì vậy, khi mua máy sấy quần áo, nên chọn những sản phẩm của những hãng uy tín, có bảo hành và bán ở các trung tâm, siêu thị lớn./.