Cẩn trọng với tai nạn pháo nổ trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán
Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trẻ em bị tai nạn do pháo nổ. Các bác sĩ cảnh báo, tai nạn pháo nổ là một trong những tai nạn thương tích nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ cũng như những người xung quanh.
Mới đây, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một bé trai 14 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương, trong tình trạng bị đứt lìa một ngón tay ở bàn tay trái, cả hai bàn tay có vết thương nham nhở, lở loét, lấm tấm nhiều vết đen. Sau khi khai thác bệnh sử, bé trai thừa nhận bị thương do tự chế pháo gây nổ.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật khâu lại mỏm cụt, mổ cắt lọc vết thương, lấy hết dị vật và điều trị kháng sinh. Sau 7 ngày, bệnh nhi được xuất viện nhưng vì mất một ngón tay nên sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm sau này.
Trước đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bé trai 12 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk, bị thương do tai nạn pháo nổ. Trường hợp này bệnh nhi bị cụt hết các ngón của bàn tay phải, chỉ còn lòng bàn tay.
Bác sĩ Trịnh Minh Giám, Khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho biết, thời gian gần đây, tần suất trẻ em bị tổn thương phải nhập viện do tự chế pháo tăng lên. Chỉ trong hơn một tháng qua, đơn vị này tiếp nhận 4 - 5 trường hợp trẻ em tai nạn do pháo nổ. “Điều này thật đáng lo ngại, đặc biệt trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán, học sinh không phải đến trường thì nguy cơ trẻ tò mò, tự chế pháo nổ và gây tai nạn càng cao”, bác sĩ Trịnh Minh Giám chia sẻ.
Hồi giữa tháng 1/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận điều trị cho hai trường hợp bị tai nạn do tự chế pháo tại nhà. Đó là hai bé trai 14 tuổi và 15 tuổi ngụ tỉnh Lâm Đồng. Bác sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu, tổn thương nhiều cơ quan từ mặt, khí quản, ngực, bụng... Các bác sĩ đã phối hợp nhiều chuyên khoa, phẫu thuật hơn 10 giờ lấy dị vật, cứu sống hai bệnh nhi.
Theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, từ tháng 12/2023 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận một số trường hợp tai nạn do liên quan đến pháo nổ, đặc biệt thường gặp ở nhóm tuổi thanh thiếu niên từ 10 tuổi trở lên. Hầu hết các trẻ này học theo các video clip trên mạng tự chế tạo pháo và gây nổ.
Bác sĩ Trịnh Minh Giám, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cảnh báo, việc trẻ em tự chế tạo pháo theo các công thức trên mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm. Việc này tiềm ẩn nguy cơ phát nổ, nhẹ thì vết thương đơn giản, nặng thì gây mất bàn tay, nặng hơn là tổn thương mặt và cơ thể và thậm chí có thể gây tử vong. Bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường cần có sự quản lý chặt chẽ, giải thích cho các em hiểu sự nguy hiểm của tự chế pháo.