Cẩn trọng với thú nuôi mùa nắng nóng
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, nguy cơ phát sinh bệnh dại ở động vật rất cao, nhất là thú nuôi trong gia đình như chó, mèo. Khi ai đó bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn, nếu không được tiêm phòng kịp thời, nguy cơ tử vong là 100%.
Những cái chết thương tâm
Đầu tháng 2 năm nay, ông N.V.Đ (ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) thấy con chó lạ chạy vào nhà, ông đuổi đánh thì bị nó cắn vào bàn tay trái. Vết thương chỉ trầy xước ngoài da nên ông chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng dại. Vài ngày sau, ông thấy trong người mệt mỏi, chán ăn nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng đã quá muộn, vi khuẩn dại đã phát tán trong cơ thể, dẫn đến tử vong.
Một trường hợp khác là ông N.T.K (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) cũng bị một con chó lạ cắn. Vết thương cũng chỉ trầy xước ngoài da, ông không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại nên sau đó vô phương cứu chữa.
Còn ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cháu N.T.T.T (10 tuổi), bị con chó của nhà hàng xóm thả rông cắn vào tay. Thấy vết xước nhẹ nên cha mẹ không đưa đi tiêm phòng, hơn 2 tháng sau cháu phát bệnh dại. Lúc lên cơn, cháu T đã cào cấu, cắn 5 người thân, sau đó tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên, trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ với 40 người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn, 2 trường hợp tử vong. Cũng từ đầu năm đến nay, cả tỉnh đã tiêm hơn 3.000 mũi vắc xin ngừa bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số người bị chó, mèo cắn và số ca mắc bệnh dại có xu hướng gia tăng từ năm 2022 đến nay.
Nguyên nhân là do công tác quản lý việc nuôi chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo còn thấp. Mặc dù đã có quy định, chó phải đeo rọ mõm khi ra nơi công cộng, nhưng nhiều người vẫn không thực hiện.
Chó, mèo phải được tiêm vắc xin phòng dại
Bệnh dại rất nguy hiểm, nhưng có thể phòng và điều trị bằng tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin cho người và động vật chính là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh dại.
Còn nhớ mùa hè năm trước, con trai tôi đùa giỡn quá mức với con chó của gia đình nuôi và bị nó cạp vào đùi để lại dấu răng, rướm máu. Cháu thì bảo rằng, chó nhà mình nuôi mà, lại đã tiêm phòng định kỳ đầy đủ rồi chắc không sao đâu mẹ. Nhưng tôi nhất quyết đưa con đi tiêm vắc xin mới an tâm.
Mới đây, Bộ Y tế gửi công văn cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng dân cư.
Ngày 24/4, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ việc này… Đối với các địa phương phải thống kê tổng đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng; quản lý đàn chó, mèo và thành lập đội bắt chó thả rông…
Những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, thời tiết nắng nóng nên nhiều người chở theo chó đi khắp phố phường, đến các nơi công cộng như: Quảng trường 1 Tháng 4, công viên Thanh thiếu niên, công viên 26/3, khu vực hồ điều hòa Hồ Sơn… Họ ngồi ghế đá hóng mát, còn chó thì thả chạy loanh quanh, mà không thấy con nào được đeo rọ mõm. Nhiều cháu bé đang chơi đùa bị chó rượt đuổi, khóc thét.
Thiết nghĩ, để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho mọi người, người nuôi chó, mèo bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng. Nuôi chó phải xích, nhốt; khi ra đường phải mang rọ mõm.
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đồng thời đưa người bị chó, mèo cắn đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng nếu không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
TRẦN HUY MINH
(Phường 7, TP Tuy Hòa)
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/316244/can-trong-voi-thu-nuoi-mua-nang-nong.html