Cẩn trọng với thuốc mang nhãn Glenmark

Vào ngày 16/4/2025 vừa qua, hãng dược phẩm Glenmark Pharmaceuticals (Ấn Độ) quyết định thu hồi 39 loại thuốc của hãng đang lưu hành trên thị trường Mỹ, trong đó có các sản phẩm thuốc chữa động kinh, tiểu đường, đa xơ cứng và những bệnh tim mạch khác.

(Bạn đọc có thể xem danh sách chi tiết về các loại thuốc bị thu hồi theo địa chỉ sau: https://www.accessdata.fda.gov/scripts/ires/index.cfm?Event=96474).

Quyết định chỉ đến sau khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào cuộc và cảnh báo Glenmark. Đã đến lúc người bệnh tại các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) tăng cường cảnh giác trước các loại thuốc mang nhãn hiệu Glenmark.

Thuốc hay độc?

Các loại thuốc chứa kali chloride (KCI) được sử dụng rộng rãi để chữa trị cho những người mắc bệnh thiếu kali và giúp họ tránh bị mệt mỏi, chuột rút, táo bón hay thậm chí là đau tim. Tuy vậy người dùng quá liều KCI sẽ bị nhiễm độc. Một số quốc gia còn thực hiện án tử hình bằng cách tiêm KCI.

Các nhà máy của Glenmark vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn trong sản xuất thuốc.

Các nhà máy của Glenmark vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn trong sản xuất thuốc.

Vào ngày 26/7/2023, bà Mary Louise Cormier (91 tuổi) được đưa vào bệnh viện tại Brunswick, bang Maine, Mỹ trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, không thể nói được. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà Cormier bị nhiễm độc kali ở mức 6,9 mmol/L (ngưỡng nguy hiểm là 6 mmol/L. Cụ bà mất ngay trong đêm được đưa đi cấp cứu. Bà Cormier chỉ là một trong số 3 người Mỹ tử vong vì nhiễm độc kali. Các nạn nhân đều bị nhiễm độc sau khi uống thuốc KCI của Glenmark.

Ba tuần sau cái chết của bà Cormier, Glenmark quyết định thu hồi thuốc KCI đang lưu hành trên thị trường Mỹ. Đáng lẽ ra một viên thuốc KCI phải tan từ từ trong dạ dày người uống để không gây phản ứng sốc thuốc, nhưng thuốc KCI của Glenmark vì có vấn đề trong khâu sản xuất nên mới tan ngay sau khi uống và khiến nồng độ kali trong máu của người bệnh tăng vọt. Tuy Glenmark thừa nhận sản phẩm của mình có vấn đề, hãng này từ chối mọi trách nhiệm về 3 cái chết ở Mỹ. Phiên tòa xử đơn kiện Glenmark của gia đình bà Cormier vẫn đang diễn ra.

Trước khi scandal thuốc KCI xảy ra, Glenmark đã phải thu hồi thuốc đến bốn lần chỉ trong vòng tám tháng. Các loại thuốc bị thu hồi đều gặp vấn đề tan trong dạ dày quá nhanh. Trong số này có các loại thuốc chứa Deferasirox (giúp thải bớt sắt trong người), Ranolazine (chống đau thắt ngực), Diltiazem (chữa huyết áp cao), Pravastatin Sodium (giảm cholesterol trong máu), và Indomethacin (chữa viêm khớp dạng thấp).

Glenmark đã 3 lần ra quyết định thu hồi thuốc kể từ đầu năm 2025 đến nay. Theo ông Thomas Callaghan, giám đốc phụ trách khu vực Bắc Mỹ của Glenmark thì các loại thuốc bị thu hồi trong năm 2025 vì lý do nhiễm độc chéo. Số thuốc này được sản xuất ở chung một nhà máy với thuốc giảm cholesterol Ezetimibe. Ezetimibe chứa hợp chất amide thuộc nhóm beta-lactam. Thuốc Penicillin cũng chứa beta-lactam, và Ezetimibe cũng có thể gây dị ứng giống như dị ứng Penicillin. FDA có hệ thống quy định nhằm đảm bảo dây chuyền sản xuất Ezetimibe không nhiễm độc chéo với các loại thuốc khác, nhưng Glenmark đã không tuân thủ quy định và gây ra hậu quả.

Mỹ khuyến cáo người bệnh nên cảnh giác trước các loại thuốc mang nhãn hiệu Glenmark.

Mỹ khuyến cáo người bệnh nên cảnh giác trước các loại thuốc mang nhãn hiệu Glenmark.

FDA lần đầu tiên đưa Glenmark vào danh sách theo dõi vào năm 2019 khi thanh tra của tổ chức này đi kiểm tra nhà máy Glenmark tại bang Himachal Pradesh, Ấn Độ. Họ phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như nguồn nước sản xuất chứa kim loại nặng, máy móc lạc hậu và không được kiểm định, pha chế thuốc không đúng thành phần đã đăng ký, và bao bì thành phẩm bị nứt, rách. Văn phòng Quản lý chất lượng sản xuất của FDA gửi một bức thư cảnh cáo Glenmark, trong đó có viết: “Hệ thống quản lý chất lượng của Glenmark gần như không có và hoàn toàn không đảm bảo được chất lượng thành phẩm... Ban lãnh đạo công ty cũng chưa nhận thức hết các vấn đề tại nhà máy và không đưa ra được hướng giải quyết nào cả”.

Ngay cả nhà máy của Glenmark đặt tại thành phố Monroe, bang Bắc Carolina, Mỹ cũng vi phạm trong sản xuất. Vào tháng 8/2021, Glenmark ra thông báo thu hồi tất cả các loại thuốc được sản xuất tại nhà máy này. Sau hơn một tháng thanh tra tại nhà máy, FDA đã phạt Glenmark vì vi phạm 17 quy định khác nhau. Vi phạm nghiêm trọng nhất là Glenmark kiểm tra thành phẩm và phát hiện ra thuốc không đạt chất lượng nhưng vẫn cho ra thị trường lưu hành. Ông Patrick Stone, nguyên thanh tra FDA và hiện là cố vấn cho nhiều tập đoàn dược phẩm khác nhau, nhận xét: “Đáng lẽ ra FDA phải cho thanh tra cắm trại ở luôn tại nhà máy Glenmark”.

Trong lần gần đây nhất FDA kiểm tra một nhà máy của Glenmark tại bang Himachal Pradesh, Ấn Độ, thanh tra phát hiện nhà máy này không hề vệ sinh thiết bị sản xuất, từ đó dẫn đến hiện tượng nhiễm độc chéo. Bộ phận kiểm tra chất lượng thành phẩm của nhà máy cũng sử dụng các phương pháp kiểm chứng chưa được FDA công nhận. Sản phẩm của nhà máy vẫn được xuất khẩu sang Mỹ. Theo điều tra của hãng tin Pro Publica thì tuy FDA đã buộc Glenmark phải thu hồi một số loại thuốc, vẫn còn nhiều sản phẩm của hãng này trôi nổi trên thị trường. FDA cũng chưa công bố hết các loại thuốc bị nghi ngờ vì phải giữ bí mật trong quá trình điều tra.

Vấn đề nhức nhối

Dư luận Mỹ không khỏi ngạc nhiên trước phản ứng có phần chậm chạp và yếu ớt của FDA. Tuy vậy theo giới chuyên gia thì đây là một vấn đề cố hữu của tổ chức này. Hiện FDA vẫn chưa có một đường lối chuẩn để xử lý nhà máy ở nước ngoài vi phạm trong quá trình sản xuất các loại thuốc gốc (generic drug). Ông Patrick Stone cho biết: “Từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024, FDA buộc 22 loại thuốc khác nhau phải bị thu hồi. 30% trong số đó là thuốc của Glenmark. FDA có đủ lý do để tạm ngừng nhập khẩu thuốc do Glenmark sản xuất, nhưng họ lại không làm vậy và để lại hậu quả lâu dài”.

FDA sử dụng mô hình phân tích máy tính để tính toán xem cơ sở sản xuất nào có khả năng vi phạm cao nhất dựa trên những lần vi phạm trước của nhà máy, mức đô vi phạm và độ phổ biến của sản phẩm vi phạm. Ngay trong điều kiện lý tưởng nhất thì vẫn có khả năng FDA để sót cơ sở vi phạm. Mà hiện nay FDA đang gặp khủng hoảng về nhân lực.

Ông Peter Baker, nguyên thanh tra của FDA, trả lời phỏng vấn Pro Publica: “FDA yêu cầu rất cao về trình độ của thanh tra trong khi các ứng viên đáp ứng đủ điều kiện có thể dễ dàng tìm được những công việc lương cao hơn trong phân khúc tư nhân. FDA chỉ có thể kiểm tra một số ít các nhà máy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng nhất... Thanh tra FDA phát hiện được vi phạm tại nhà máy nước ngoài nhưng không có thẩm quyền xử lý. Họ chỉ có cách liên lạc với nhà chức trách sở tại, và đến khi chính quyền địa phương xử lý được vi phạm thì thanh tra đã bị rút về để phụ trách những trường hợp khác”.

Nhà máy của Glenmark ở Ấn Độ.

Nhà máy của Glenmark ở Ấn Độ.

Nhà báo Mỹ Katherine Eban đã dành nhiều năm để điều tra về thị trường dược phẩm toàn cầu. Bà viết trong cuốn sách “Bottle of Lies”: “Từ thập niên 1990s đến đầu thiên niên kỷ mới, Ấn Độ trở thành “công xưởng dược phẩm” cho toàn thế giới. Nguyên nhân chính là nhu cầu của người Mỹ đối với các loại thuốc gốc, thuốc bán không cần đơn nhảy vọt. Nguồn cung thuốc giá rẻ rồi giao từ Ấn Độ luôn đi kèm với những sai phạm trong quá trình sản xuất và thử nghiệm. Một người Ấn Độ giấu tên vào năm 2005 từng gửi thư cảnh báo cho FDA về một nhà máy thuốc phạm luật hình sự. Phải đến năm 2014 thì nhà chức trách Mỹ và Ấn Độ mới xử lý xong vụ việc này.

Hậu quả mà dược phẩm kém chất lượng để lại cho người Mỹ là không nhỏ. Còn nhớ vào năm 2023 có 4 người Mỹ tử vong và nhiều người phải mổ cắt bỏ hai con mắt. Các bệnh nhân trên bị nhiễm một chủng trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Chủng vi khuẩn này kháng được thuốc nhóm Carbapenem, tức là thuốc chuyên để điều trị vi khuẩn kháng các loại kháng sinh khác. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ ghi nhận trường hợp nhiễm khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Nguồn gốc gây nhiễm khuẩn là hai loại sản phẩm thuốc nhỏ mắt Artificial Tears và Artificial Ointment do Tập đoàn Delsam Pharma (Mỹ) sản xuất tại Ấn Độ.

Sau quá nhiều vụ việc tương tự như trên, Ủy ban Hạ viện về Năng lượng và Thương mại Mỹ mới đây đã yêu cầu FDA cung cấp toàn bộ kết quả thanh tra các nhà máy dược phẩm tại Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là tiền đề để Quốc hội Mỹ trực tiếp điều tra vấn đề này và xử lý các vi phạm. Quyết định trên đã nhận được sự ủng hộ của các nghị viện thuộc cả hai đảng. Hạ nghị sĩ Brett Guthrie của bang Kentucky phát biểu: “Đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ những khuyết điểm trong cơ chế quản lý thuốc nhập khẩu của Mỹ. Chúng ta đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến nhân lực, nguồn lực và quyền hạn. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tìm cách xây dựng lại ngành sản xuất dược phẩm nội địa, lựa chọn tối ưu trước mắt chúng ta là cải tổ lại cơ chế, bộ máy kiểm soát chất lượng dược phẩm nhập khẩu”.

Về phần mình thì FDA kêu gọi chính phủ và quốc hội Mỹ phân bổ thêm ngân sách và mở rộng quyền hành cho tổ chức này. Họ cũng kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan chính phủ khác. Theo phát ngôn viên Amanda Hils của FDA: “Trong khi thanh tra nước sở tại có thể kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất thuốc, FDA phải thông báo trước cho chủ cơ sở sản xuất về việc thanh tra. Khoảng thời gian báo trước tùy thuộc vào luật pháp nước sở tại và có thể lên đến 12 tuần, đủ thời gian để cơ sở sản xuất che giấu vi phạm...

FDA không có đủ thông dịch viên để đi theo đoàn kiểm tra mà thường phải dựa vào thông dịch viên do nhà chức trách địa phương cung cấp. Đã có trường hợp thông dịch viên nước sở tại cố ý cung cấp thông tin sai lệch cho thanh tra. FDA mong muốn nhận được sự hợp tác của các đại sứ quán Mỹ nhằm giải quyết khó khăn này”.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/can-trong-voi-thuoc-mang-nhan-glenmark-i767165/