Cần tuyên truyền tốt về đổi mới giáo dục
Chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề giá sách giáo khoa, hay vấn đề học phí là những nội dung được đại biểu quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày hôm nay. Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã có phát biểu làm rõ hơn những vấn đề đại biểu nêu.
Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang đi đúng với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88 của Quốc hội 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy vậy, thực tiễn đang đòi hỏi sự đầu tư thỏa đáng cho đội ngũ giáo viên tâm lý học đường.
Bà HÀ ÁNH PHƯỢNG, ĐBQH tỉnh Phú Thọ: “Đề nghị Chính phủ hỗ trợ, hỗ trợ giáo viên tư vấn tâm lý chưa thỏa đáng. Xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc, cần nâng cao năng lực cho giáo viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp 2022, giúp các em ổn định tâm lý trước khi thi, bớt lo lắng đến lựa chọn các nguyện vọng, từ đó sẽ nâng cao chất lượng bài thi. Tuy vậy, để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được diễn ra thực sự an toàn và hiệu quả, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường công tác truyền thông.
Bà NGUYỄN THỊ HÀ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi về phương án tổ chức các kỳ thi, Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích về mục đích, tính chất của kỳ thi; thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông những điểm mới về kỳ thi để học sinh, phụ huynh, nhân dân hiểu, ủng hộ và phối hợp. Theo tôi, đây là một khâu cần được đổi mới trong giáo dục. Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phục vụ tích cực cho sự đổi mới giáo dục nhưng chưa làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng khiến nhiều cử tri không được cập nhật kịp thời với những chính sách thay đổi”.
Phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết Quốc hội đã ban hành về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, công việc biên soạn sách giáo khoa đã thực hiện theo hướng xã hội hóa. Từ góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn, Bộ đã tăng cường chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao có thể dùng lại nhiều lần các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện đầy đủ các quy định theo Thông tư 33 của Bộ, cấu trúc và nội dung sách giáo khoa phù hợp tiêu chuẩn sách giáo khoa xuất bản phẩm.
Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo: “Giá SGK: 28/11/2014 Quốc hội ban hành Nghị quyết 88, xã hội hóa SGK. Các doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản. Chỉ đạo các nhà xuất bản để SGK sử dụng nhiều lần. Chỉ đạo ban hành thông tư quy chuẩn về SGK. Chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện các giải pháp để giảm giá, miễn phí để nhiều học sinh tiếp cận được SGK. Ứng dụng Công nghệ thông tin, Đề nghị Bộ Tài chính bổ sung giá sách vào danh mục hàng hóa, có chính sách trợ giá”.
Về vấn đề học phí, theo Bộ trưởng, quy định về học phí đã có lộ trình và được thực hiện đúng theo nghị định của Chính phủ
Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo: “Học phí: từ phổ thông đến đại học theo Nghị định 81. Với phổ thông, chính quyền tỉnh, thành quyết định mức học phí có mức trần, có lộ trình. Chia sẻ với phụ huynh, có chính sách miễn, giảm, giãn thu học phí, hỗ trợ SGK cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát."
Vấn đề tự chủ đại học, hiện nay Bộ Giáo dục Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trên phương diện tổ chức, giúp trường hoạt động tự chủ được tốt hơn…
Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-tuyen-truyen-tot-ve-doi-moi-giao-duc