Cần ứng dụng công nghệ trong xử phạt nguội xe máy
Tại hội thảo 'Các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe máy tại Việt Nam - Những thách thức và bài học kinh nghiệm' do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức ngày 12-2, các chuyên gia dự báo, trong tương lai gần, xe máy vẫn được sở hữu và sử dụng phổ biến tại các đô thị. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho loại hình phương tiện này.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe máy liên quan 65%-70% số vụ tai nạn giao thông, người đi xe máy cũng chiếm 30% số ca tử vong do va chạm giao thông trên toàn cầu.
Các yếu tố rủi ro chính gồm: không đội mũ bảo hiểm, tốc độ xe, sử dụng rượu bia, điều kiện giao thông hỗn hợp, xe không được bảo vệ trong trường hợp xảy ra va chạm và thiếu cơ sở hạ tầng an toàn cho xe máy (như mặt đường kém…).
Hiện Việt Nam đã làm tốt công tác đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, đạt 90%-95% tại nhiều địa phương; kiểm soát nồng độ cồn; tốc độ lái xe. Tuy nhiên, nhóm 16-18 tuổi điều khiển xe máy phân khối dưới 50cc vẫn thiếu kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện; số vụ tai nạn giao thông liên quan trẻ dưới 16 tuổi điều khiển xe 2 bánh diễn biến phức tạp.
![Giao thông hỗn hợp có nguy cơ xảy ra tai nạn cao](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_17_51459222/2a91f4a6c3e82ab673f9.jpg)
Giao thông hỗn hợp có nguy cơ xảy ra tai nạn cao
Bên cạnh đó, nhiều vụ tai nạn giao thông do vi phạm quy tắc giao thông như đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát; các quy định pháp luật hiện chưa có làn dành riêng cho xe máy; chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe máy không đội mũ, chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đi xe máy cho trẻ dưới 6 tuổi; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em ngồi xe máy còn thấp; chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên xe máy…
Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi xe máy tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần thay đổi chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe cho người đi xe máy theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao nhận thức về các nguy cơ tai nạn; chú trọng thực hành kỹ năng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người đi ô tô khi tham gia giao thông hỗn hợp; có tiêu chuẩn làn đường riêng cho xe máy; chú trọng giáo dục, đào tạo và sát hạch kiến thức lái xe phân khối dưới 50cc cho học sinh; tăng cường ứng dụng, trang bị công nghệ để nâng cao tính an toàn cho xe máy; ứng dụng công nghệ trong xử phạt nguội xe máy…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-ung-dung-cong-nghe-trong-xu-phat-nguoi-xe-may-post781572.html