Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững
Phát biểu khai mạc sáng 12/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần xem xét, thông qua nhiều Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trên tinh thần "hiệu quả công việc là trên hết", cùng với kinh nghiệm thực tiễn công tác và thực tiễn địa phương, cơ sở, phản ánh, góp ý chân thành, thẳng thắn, chất lượng để toàn bộ các nội dung trong chương trình Kỳ họp được xem xét, thông qua với sự thống nhất, đồng thuận cao nhất, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhất sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Trong phiên sáng nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng tình cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cả nhiệm kỳ (2021-2025).
Mục tiêu Chính phủ đề xuất cao hơn khoảng 1% so với tăng trưởng 2024 và dự báo của một số tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần đánh giá và kiểm soát rủi ro, đưa ra các giải pháp đột phá để nền kinh tế phát triển bền vững.
Số liệu cho thấy, mặc dù lạm phát bình quân năm 2024 chỉ ở mức 3,63%, nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khá cao. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của một số mặt hàng thiết yếu. Do đó, trong công tác điều hành, Chính phủ cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và có lộ trình lộ trình thị trường với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, đặc biệt là chi phí người dân chi trả cho các dịch vụ giáo dục, y tế.
Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 nếu đạt 8% trở lên sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tang-truong-nhanh-nhung-phai-ben-vung-302326.htm