Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn
Để nâng cao vai trò phụ nữ trong nông nghiệp, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương. Việt Nam cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn, tập huấn đào tạo, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường.
Chiều ngày 12/8, Diễn đàn “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp” đã diễn ra tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ chương trình “Năm quốc tế nữ nông dân tại Việt Nam”.
Doanh nghiệp nông nghiệp nữ đang gặp nhiều khó khăn
Phát biểu tại diễn đàn, bà Vũ Thị Phương Lan - Chủ tịch Công đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng một vai trò không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Với tinh thần kiên cường và sáng tạo, họ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình đó, phụ nữ cũng đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, từ vấn đề bình đẳng giới đến tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển.
Hiện nay, tại các khu vực nông thôn, có khoảng 80% phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã nông nghiệp; 39% chủ thể OCOP là nữ. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo và quản lý các hợp tác xã, chủ thể OCOP càng phổ biến hơn.
Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong hiệp hội hiện có hơn 700 thành viên, trong đó có khoảng 125 thành viên là các trang trại, nông nghiệp. Trong số trang trại nông nghiệp có hơn 65% trang trại do nữ làm chủ.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp do nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản gắn với các chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài vai trò trong hoạt động sản xuất, phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Do đó, mong muốn sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ", bà Hạ Thúy Hạnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, hiện nay Luật Bình đẳng giới đã được nêu, nhưng hầu như các doanh nghiệp chưa có chiến lược thực hiện bình đẳng giới, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Bà Hạnh cũng mong muốn các tổ chức liên quan tới quyền phụ nữ có thêm các khảo sát, đánh giá vai trò của phụ nữ trong các cơ sở, doanh nghiệp nông nghiệp và chỉ ra bộ công cụ đánh giá bình đẳng giới hiệu quả để áp dụng.
Đồng thời, trong thực tiễn, dù có nhiều chỉ số đánh giá vai trò phụ nữ, tuy nhiên trong các cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ, nhất là vùng sâu, xa, cần có thêm chính sách đặc thù cho từng vùng miền tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia.
Chị Trần Anh Xuân, trồng tía tô tại Sa Pa, Lào Cai cho biết, có một khoảng cách nhất định về trình độ, mức độ sẵn sàng cũng như khả năng đáp ứng về công việc giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới. Ở nước ngoài, phụ nữ làm được những việc nặng, còn ở Việt Nam, mọi người tương đối e dè.
Áp dụng công nghệ mới trong quản lý trang trại nông nghiệp Hoa Kỳ
Tại diễn đàn, bà Jennifer H. Schmidt, một trong 2 nông dân đến từ Mỹ đã có những chia sẻ về các sáng kiến, công nghệ mới trong sản xuất và quản lý trang trại nông nghiệp. Theo bà Jennifer H. Schmidt, Hoa Kỳ có nhiều hoạt động thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp, trong đó chú trọng đa dạng các hoạt động canh tác các loại cây trồng khác nhau như cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; rau; trồng lúa mì làm bánh mì; cây ăn quả như nho…
Theo bà Jennifer, về các loại công nghệ, nông dân Hoa Kỳ áp dụng nhiều công nghệ trong trang trại của mình như: sử dụng các app có thể cài đặt trên đện thoại thông minh, vừa sử dụng, điều khiển dễ dàng vừa giúp cung cấp những thông tin liên quan tới sinh trưởng cây trồng, dịch hại, thị trường. Từ đó, giúp đưa ra các quyết định chính xác về hoạt động canh tác.
"Chúng tôi cũng có những hồ sơ, bản ghi rất cụ thể, rõ ràng về các điều kiện trang trại và tình trạng cây trồng. Thông tin bản ghi này được kết nối chặt chẽ và chia sẻ cho các thành viên tham gia quản lý trang trại. Khi chúng tôi truy cập vào app sẽ biết chính xác đã có hoạt động gì, những việc cần làm và lưu ý cần biết. Chúng tôi không cần đến tận nơi vẫn có thể theo dõi toàn bộ quá trình hoạt động", nữ nông dân Hoa Kỳ chia sẻ.
Một trong những điều quan trọng nhất trong các bản ghi là những thông tin về chất lượng nước, nhu cầu dinh dưỡng, lượng phân bón đã sử dụng… và toàn bộ thông tin này sẽ được báo cáo cho Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
"Chúng tôi còn sử dụng công nghệ định vị PGS khi tiến hành phun thuốc trừ sâu, hoặc tưới. Với diện tích lớn, việc trùng lặp giữa các lần phun rất dễ xảy ra, khi dùng công nghệ này, sẽ cho chúng ta những thông tin cần thiết để biết mình đã sử dụng và phun cho diện tích nào rồi. Từ đó, tránh trồng chéo và đảm bảo sự đồng đều", bà Jennifer phát biểu.
Còn bà Jaclyn Wilson chia sẻ, trang trại của mình tại Lakeside, bang Nebraska, có điểm khác biệt nhất nằm ở nỗ lực giảm tác động đến môi trường khi chăn nuôi. Hiệu quả không chỉ là sản xuất nhiều hơn mà còn phải tìm ra sự cân bằng giữa việc duy trì bền vững và tối đa hóa năng suất.
“Sức khỏe của đồng cỏ tự nhiên rất quan trọng, vì đây là nguồn sống chính cho đàn gia súc và duy trì cân bằng sinh thái của khu vực. Chúng ta cần quản lý cẩn thận các mô hình chăn thả và tránh để đất đai bị khai thác quá mức”, bà Jaclyn nhấn mạnh.
Trước đây, trang trại của Jaclyn Wilson chăn nuôi theo hướng truyền thống, nhưng một vài năm gần đây, bà đẩy mạnh “số hóa”. Dựa trên ảnh vệ tinh và cơ sở dữ liệu sẵn có, bà cùng các cộng sự có thể sớm nhận thông tin về đồng cỏ, về mưa, để có thể sớm di chuyển gia súc đến những khu vực “tốt” hơn, giúp đảm bảo sức khỏe động vật.
Ngoài ra, công nghệ còn giúp trang trại của bà Jaclyn tinh giản tối đa nhân lực (hiện chỉ có 2 người phụ giúp bà trong mọi công việc).
Hạn chế tiếp cận kiến thức khoa học
Bà Lương Như Oanh, Quản lý Chương trình, Chương trình Biến đổi Khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Tổ chức UN Women, đã có những trao đổi về thách thức, trở ngại mà phụ nữ Việt Nam đang gặp phải trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo bà Oanh, một trong những trở ngại lớn nhất đó là biến đổi khí hậu. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán tại Ninh Thuận và xâm nhập mặn tại Cà Mau.
Phụ nữ là những người tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, nhưng đang hạn chế trong việc được tiếp cận với các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật (vướng bận công việc gia đình…); khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng, chỉ mới tiếp cận được các nguồn vốn nhỏ lẻ nên khả năng mở rộng hoạt động của đơn vị do mình làm chủ bị hạn chế.
Do đó, bà Oanh cho rằng, cần nghiên cứu để lồng ghép có thực chất vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, chiến lược quốc gia để phụ nữ thực sự được hưởng lợi.
Bà Nguyễn Giang Thu - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, để nâng cao quyền, vị thế cho người phụ nữ, điều đầu tiên là người phụ nữ cần tự tin. Tự tin vào năng lực và khả năng bản thân.
Bên cạnh đó, bà Thu cũng nêu thực tế rằng hiện nay có rất nhiều chương trình liên quan đến việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cho phụ nữ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát còn hạn chế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Theo bà Vũ Thị Phương Lan, để nâng cao vai trò phụ nữ trong nông nghiệp, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương. Chúng ta cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tập huấn đào tạo, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới để mỗi người phụ nữ đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển chung.