Cần xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động mất việc làm

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn số 4 với chủ đề 'Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động', do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chiều 30/11, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.

Theo PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế… tránh nguy cơ vỡ các quỹ truyền thống này, qua đó góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội. Đối với đối tượng là công nhân, chính sách an sinh xã hội được tập trung ở những nội dung chủ yếu như: Tăng cơ hội việc làm, trợ cấp thất nghiệp, tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế.

Về chính sách tăng cơ hội việc làm cho công nhân, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà cho rằng, việc thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa... nơi hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để trồng trọt, chăn nuôi nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại diễn đàn

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại diễn đàn

Về chính sách tiếp cận dịch vụ y tế cho công nhân, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà nhận định, thực tế hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập về tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp. Cụ thể, các quy định về hưởng bảo hiểm y tế trái tuyến đang gây trở ngại cho người lao động tiếp cận với các lợi ích mà bảo hiểm y tế mang lại.

Các quy định về khám sức khỏe định kỳ còn thiếu tính chặt chẽ về một số điểm như quy định cơ sở y tế được phép tổ chức sức khỏe định kỳ, các hạng mục sức khỏe bắt buộc thăm khám. Đặc biệt, cơ chế xử lý, xử phạt với các doanh nghiệp, chủ lao động không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với các cơ sở y tế vi phạm chức năng, quy trình cấp giấy khám sức khỏe định kỳ còn nhẹ.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp có chức năng kiểm tra, phát hiện các sai phạm về y tế trong khu công nghiệp nhưng lại chưa được quy định chức năng xử lý, xử phạt do đó hiệu lực quản lý chưa cao.

Hiện chưa có các văn bản quy định về phối kết hợp giữa hệ thống khám bệnh nghề nghiệp và giám định bệnh nghề nghiệp nhằm thực hiện kịp thời và đầy đủ chế độ và chính sách đối với người lao động.

“Chính một số điểm bất cập của hệ thống chính sách về y tế, đặc biệt những hạn chế về chế tài xử lý đã dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp thực hiện đóng bảo hiểm y tế cho người lao động mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp chỉ tổ chức khám sức khỏe cho một bộ phận người lao động; chỉ đăng ký khám một số hạng mục nhất định; mua giấy khám sức khỏe định kỳ”, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà nêu.

Khuyến nghị giải pháp cải thiện những hạn chế trong công tác an sinh, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà kiến nghị cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng bảo đảm tính bền vững, công bằng của chính sách, chú trọng phúc lợi xã hội, an ninh xã hội và an ninh con người.

Đại biểu tham dự Diễn đàn

Đại biểu tham dự Diễn đàn

Các chính sách xã hội cần được thiết kế theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn xã hội, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhất là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó có người lao động bị mất việc làm. Đây là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng an sinh xã hội, cung cấp “bệ đỡ” an toàn cho người dân nói chung và người lao động nói riêng khi đối mặt với khủng hoảng, rủi ro khó lường trong cuộc sống, hướng tới mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội.

Bên cạnh đó, Nhà nước với tư cách là chủ thể có trách nhiệm chính trong việc bảo đảm quyền an sinh xã hội cho công dân cần có những kế hoạch dài hạn kết hợp với những phương án kịp thời để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động bị mất việc. Đó có thể là điều phối và cân đối lực lượng lao động giữa các ngành sản xuất, tạo việc làm mới thông qua hoạt động triển khai các dự án đầu tư công tại các ngành, địa phương, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm được thụ hưởng an sinh xã hội một cách đầy đủ và hiệu quả.

Cùng với đó, vận dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và thực thi các chính sách xã hội nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động nói chung và người lao động bị mất việc làm nói riêng. Trong đó, cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống", PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà nhấn mạnh.

Trần Vũ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-xay-dung-quy-du-phong-an-sinh-xa-hoi-de-ho-tro-nguoi-lao-dong-mat-viec-lam-163414.html