Cần xem xét lại việc cấm taxi hoạt động trên một số tuyến phố tại Hà Nội
Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đề nghị dỡ bỏ biển cấm taxi tại một số tuyến phố vì cho rằng đang gặp rất nhiều khó khăn và đây cũng là phương tiện cần được ưu tiên vì phục vụ vận tải hành khách công cộng.
Theo Hiệp hội, hơn hai năm qua, ngành nghề vận chuyển hành khách bằng taxi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và rất khó khăn. Điều này thể hiện rõ qua việc số lượng xe trên địa bàn Hà Nội sụt giảm mạnh từ 19.260 xe năm 2020, đến nay chỉ còn khoảng 10.000 xe, bởi nhiều người phải bán xe hoặc chuyển về các tỉnh hoạt động.
Bên cạnh khó khăn do dịch bệnh, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc cơ quan chức năng thực hiện cấm xe taxi hoạt động trên 11 tuyến phố khiến cho tình hình càng khó khăn hơn.
Cụ thể, các tuyến đường, phố cấm taxi và xe hợp đồng dưới chín chỗ (cả hai chiều) trong các khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và từ 16 giờ 30 đến 19 giờ chiều bao gồm: Đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, đường Trường Chinh từ đoạn từ Vương Thừa Vũ đến Tôn Thất Tùng. Tuyến phố Khâm Thiên cấm chiều từ phố Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa, trừ ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật được hoạt động 24/24 giờ.
Cầu Chương Dương cấm taxi đi theo chiều từ Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật từ 6 giờ đến 9 giờ, trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật. Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt) cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo chiều Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt từ 19 giờ - 0 giờ các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật; phố Hai Bà Trưng (đoạn từ Ngô Quyền đến Bà Triệu) cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ từ 19 giờ đến 24 giờ các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, cả hai chiều.
Các đường, phố cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ 24/24 giờ gồm: phố Phủ Doãn cấm chiều từ phố Tràng Thi đến phố Hàng Bông; phố Cầu Giấy- đường Xuân Thủy cấm cả hai chiều; ngõ 897 đường Giải Phóng (cổng vào bến xe phía Nam) cấm taxi theo chiều từ đường Giải Phóng đi vào bến xe.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, hoặc như thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện cấm xe taxi hoạt động tại tuyến phố nào. Điều này không chỉ “bó hẹp” phạm vi hoạt động của taxi mà còn bất tiện cho cả người dân và du khách.
Anh Nguyễn Văn Hải là lái xe của taxi G7 cho biết, thực tế đã có tình huống "dở khóc dở cười" khi có lần anh đón khách nước ngoài từ sân bay về một khách sạn trên phố Giảng Võ.
“Gần đến nơi, nhìn thấy khách sạn rồi, nhưng không dám đi vào vì cấm taxi, chúng tôi đành phải đề nghị khách xuống đi bộ vào. Vì phải mang theo nhiều đồ đạc, cho nên du khách rất bức xúc, phải sau khi được chỉ cho biển cấm, họ mới thông cảm. Tuyến phố này có nhiều văn phòng, khách sạn mà lại không cho taxi hoạt động trong giờ cao điểm, thật sự rất khó”, anh Hải chia sẻ.
Không chỉ có lái xe taxi, mà nhiều người dân chung quanh các tuyến phố bị cấm cũng gặp phải nhiều bất tiện vì quy định này. Chị Lê Thu Hằng ở phố Láng Hạ cho biết, mỗi lần đi có công việc chị phải đi bộ cả đoạn dài với lỉnh kỉnh đồ đạc mới gọi được taxi.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, dịch bệnh, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các doanh nghiệp taxi kiệt quệ khi lượng khách sụt giảm hơn 60%.
Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp, việc gỡ bỏ biển cấm ở 11 tuyến phố là một trong những giải pháp giúp hoạt động taxi bớt khó khăn hơn trong giai đoạn hiện nay.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng lý giải, việc đặt các biển cấm taxi tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố không còn phù hợp khi taxi là phương tiện vận tải công cộng nên cần được ưu tiên lưu thông như xe buýt.
Nếu cấm thì nên cấm xe cá nhân, một biện pháp đang được cả thế giới áp dụng. Khi đó, tỷ lệ người sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ tăng lên, giảm tình trạng kẹt xe. Đây cũng là phương hướng, mục tiêu của việc phát triển giao thông tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, việc cấm taxi ở các tuyến phố sẽ gây phiền phức cho du khách tới Hà Nội tham quan, du lịch. “Trong tiến trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, chúng ta đã có nhiều bài học hay để phát triển phương tiện vận tải công cộng, một trong số đó là áp dụng làn đường dành riêng cho xe taxi, để tăng tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng, phù hợp với tiến trình thế giới đang đi”, văn bản của Hiệp hội nêu và đề nghị thành phố xem xét điều chỉnh bỏ việc cấm taxi trên các tuyến phố.
Bởi taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng, đồng thời các tuyến phố có biển cấm đỗ, cấm dừng xe, thì đề nghị ưu tiên cho taxi được dừng, đỗ đón, trả khách trong phạm vi ba phút; các tuyến phố không cấm thì được dừng, đỗ 5 phút.
Được biết, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Công an thành phố và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kiểm tra, xem xét giải quyết nội dung kiến nghị theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trong tuần tới sẽ tổ chức họp để đánh giá cụ thể tình hình giao thông trên từng tuyến phố, xem tuyến nào sẽ vẫn tiếp tục cấm, tuyến nào sẽ bỏ, vì sao, với tinh thần là hạn chế tới mức tối đa việc cấm taxi.