Cần xử lý dứt điểm cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp Mông Hóa
Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm, đã có thời điểm hàng chục người dân xóm Dụ Phượng và Nai Bẵn, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) tập trung trước cổng cơ sở sản xuất, tái chế nguyên liệu bao bì phế thải thành hạt nhựa của ông Nguyễn Xuân Thủy, trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) làm chủ yêu cầu dừng hoạt động, không có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân xung quanh khu vực.
Cơ sở tái chế bao bì của ông Nguyễn Xuân Thủy được Công ty TNHH Chế biến nông sản Hoàng Loan - khu công nghiệp (KCN) Mông Hóa (Kỳ Sơn) cho thuê lại nhà xưởng sản xuất. Cơ sở này đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 với công suất khoảng 300 tấn thành phẩm/năm, nhưng đến nay chưa thực hiện xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, mùi trước khi xả ra môi trường theo cam kết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân sống xung quanh.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, qua kiểm tra dây chuyền công nghệ sản xuất, hệ thống xử lý nước thải, chất thải của cơ sở tái chế nguyên liệu bao bì bẩn thành hạt nhựa là không đảm bảo; nguyên liệu đầu vào chủ yếu là các loại bao bì, nilon đã qua sử dụng có nhiều tạp chất và chất thải... Đầu tháng 4/2019, cơ sở này đã bị Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh và chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất, phát hiện việc xả nước thải chưa xử lý ra môi trường; lập biên bản vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Anh Nguyễn Văn Huấn, xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa - một trong những hộ thường xuyên chịu tác động, ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất của cơ sở tái chế bao bì thành hạt nhựa bức xúc: Hàng ngày, khi cơ sở hoạt động đốt nguyên liệu đều thải ra không khí, môi trường xung quanh nhiều khói, nồng nặc mùi khét rất khó chịu. Chúng tôi là những người bị ảnh hưởng trực tiếp, mỗi khi hít, ngửi phải mùi khói khét đều có cảm giác đau đầu, buồn nôn, khó thở. Nên mỗi khi cơ sở này hoạt động, các gia đình đều phải đóng kín cửa suốt cả ngày; thậm chí trong quá trình sản xuất, cơ sở còn xả trộm nước thải ra dòng suối Dụ làm ảnh hưởng tới nguồn nước tưới của bà con, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Đinh Văn Long, Trưởng xóm Dụ Phượng cho biết: Cơ sở xản xuất, tái chế nguyên liệu bao bì bẩn thành hạt nhựa của ông Nguyễn Xuân Thủy thường lợi dụng đêm tối hoặc trời mưa xả trộm nước thải ra môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến gần 100 hộ dân quanh khu vực. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân ở các xóm lân cận với mức độ khác nhau. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trước tình trạng này, bà Nguyễn Thị Bảy, nhà ngay cạnh tường rào cơ sở tái chế bao bì bẩn thành hạt nhựa cùng nhiều người dân thẳng thắn cho rằng: Nếu tình trạng này vẫn diễn ra, người dân chúng tôi sẽ tập trung để phản đối, yêu cầu cơ sở này phải đóng cửa, chuyển đi nơi khác cách xa khu dân cư chứ không mỗi khi hoạt động xả ra mùi cháy khét vô cùng khó chịu, làm cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề.
Về phía cơ sở sản xuất, đại diện là ông Bùi Minh Hoàn thừa nhận: quá trình sản xuất của cơ sở đã gây bức xúc cho người dân về vấn đề môi trường. Việc này cơ sở đã nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý. Hiện tại, cơ sở đang cố gắng khắc phục để không gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân khu vực. Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh của người dân thì liên tục trong những ngày qua (19, 20, 21, 22/11/2019), cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất, gây mùi khó chịu ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Bằng Giang, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Sau khi nhận được kiến nghị của người dân xóm Dụ Phượng và Nai Bẵn, Ban Quản lý các KCN tỉnh và các cơ quan chức năng tổ chức xuống địa bàn kiểm tra tình hình vi phạm của cơ sở sản xuất và lập biên bản. Trong quá trình làm việc, phía cơ sở sản xuất không có sự hợp tác, thường tránh né cơ quan chức năng. Hiện nay, Ban đã tiến hành theo dõi, nếu xác định cơ sở còn có những vi phạm quy định về môi trường sẽ kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.