Cần xử lý nghiêm chiêu trò 'trả giá cao, tạo sốt ảo'
Chiêu trò 'trả giá cao, tạo sốt ảo' đã được nhiều người chỉ thẳng qua cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai. Việc trúng đấu giá cao rồi bỏ cọc để lợi dụng thiết lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh là hành vi cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm khắc.
Hơn 1.500 người tham gia đấu giá đất ở huyện Thanh Oai
Cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai ngày 10/8 vừa qua đã khiến nhiều người bất ngờ. Lượng người tham gia và số hồ sơ đăng ký cao nhất từ trước tới nay. Giá trúng các thửa đất cũng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, vượt xa giá trị thực trong khu vực. Dư luận đang đặt câu hỏi về sự bất thường của cuộc đấu giá này.
Bất chấp nắng nóng, hơn 1.500 người vẫn xếp hàng dài để đợi làm thủ tục đấu giá. Lượng hồ sơ tham gia đấu giá 68 thửa đất cũng lên tới hơn 4.200 hồ sơ. Một con số kỷ lục cả về số khách hàng và số hồ sơ cho một cuộc đấu giá đất không chỉ ở Thanh Oai mà còn ở các quận huyện khác của Thủ đô. Và đây là một trong những nguyên nhân.
Anh Hoàng Văn Chung, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương cho biết: “Tôi thấy đất rẻ nên từ Chí Linh lên đấu hy vọng sở hữu một lô đất”.
Còn ông Trần Văn Đoàn, phường Dương Nội, quận Hà Đông cho hay: “Giá khởi điểm thấp, nhà nước siết phân lô bán nền nên đông người đi đấu giá”.
Giá khởi điểm thấp, nhưng giá trúng lại bị đẩy cao đến mức phi lý. Phần đông người đều ngỡ ngàng và thất vọng khi chứng kiến giá trúng các thửa đất. Lô thấp nhất có giá 52 triệu đồng 1m2. Lô góc được xem là đẹp lên tới hơn 100 triệu đồng 1m2, gấp tới hơn 8 lần so với giá khởi điểm ban đầu.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi về giá khởi điểm thấp hơn so với giá thị trường. Đại diện lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết, Khu đất đấu giá ở thôn Thanh Thần xã Thanh Cao được áp ở mức từ 8,6 đến 12,5 triệu đồng 1m2 là do việc xác định giá khởi điểm đất đấu giá có sự thay đổi theo các hướng dẫn thi hành Luật đất đai mới.
Lãnh đạo huyện Thanh Oai cũng cho biết, giá khởi điểm chỉ là cơ sở để tính 20% tiền đặt cọc. Các nhà đầu tư đã tham khảo giá thị trường trước khi quyết định tham gia đấu giá.
Giá khởi điểm thấp hút nhiều người tham gia có thể dễ lý giải. Nhưng giá bị đẩy lên quá cao, đến mức phi lý đang khiến dư luận nghi ngờ việc lợi dụng đấu giá đất để thổi giá bất động đất trong khu vực để trục lợi. Thực tế cho thấy, vị trí đất đấu giá ở thôn Thanh Thần chỉ nằm ở mặt đường liên xã Thanh Cao, cách trung tâm Thành phố 30km, nằm khá xa Quốc lộ 21B. Khu vực này cũng không có biến động gì đặc biệt về hạ tầng.
Cần xử lý nghiêm chiêu trò 'trả giá cao, tạo sốt ảo'
Chiêu trò “trả giá cao, tạo sốt ảo” đã được nhiều người chỉ thẳng qua cuộc đấu giá tại huyện Thanh Oai. Đối tượng đầu cơ đất tại khu vực xung quanh sẽ được hưởng lợi nếu mặt bằng giá mới được thiết lập. Như khu đất đấu giá Cao Mật Hạ cũng nằm trên địa bàn xã Thanh Cao. Được đấu giá từ năm 2021, giá trúng chỉ từ 25-35 triệu đồng 1m2. Tuy nhiên đến nay, mới có duy nhất một hộ xây nhà để ở, cho thấy đất ở đây đang bị đầu cơ.
Mức khởi điểm từ 8,6 đến 12,5 triệu đồng 1m2, khách hàng tham gia đấu phải đặt cọc 20%, cao nhất cũng chỉ 200 triệu đồng. Số tiền không đáng kể gì nếu giới đầu cơ bỏ cọc nhưng thoát được hàng khi bán những thửa đất quanh khu vực với giá cao.
Câu chuyện bỏ cọc hay không đến sau ngày 10/9 sẽ có kết quả. Khách hàng sẽ có một tháng để hoàn thành đóng 100% số tiền trúng đấu giá. Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Oai cho biết, cuộc đấu vừa qua chỉ có hai khách hàng trên địa bàn huyện trúng đấu giá. 66/68 thửa đất còn lại đều do người bên ngoài mua với giá cao.
Theo khảo sát, ngay sau cuộc đấu giá, các hội nhóm về mua bán đất trên mạng xã hội xuất hiện nhiều "cò đất", rao bán với giá bằng giá trúng cộng với mức chênh từ 200 - 500 triệu đồng/lô, tùy diện tích và vị trí.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng các suất trúng đấu giá liên tục bị mua đi bán lại không phải hiếm. Nhưng việc trúng đấu giá cao rồi bỏ cọc để lợi dụng thiết lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh là hành vi cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm khắc.