Cần xử lý quyết liệt vấn nạn sách lậu

Bên cạnh sự vào cuộc, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần nên án, tẩy chay sách lậu một cách mạnh mẽ để giảm thiểu vấn nạn in ấn, buôn bán sách lậu cũng như xây dựng văn hóa đọc tích cực, văn minh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sách nói riêng, sự phát triển của xã hội nói chung.

Thu giữ hàng chục tấn xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh chính trị nội bộ, CATP Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng thu giữ hàng chục tấn sách lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, chiều 15-9, Phòng An ninh chính trị nội bộ, CATP Hà Nội đã phối hợp với Đội QLTT số 1 và CA quận Nam Từ Liêm tiến hành kiểm tra một cơ sở gia công sau in và thu giữ hàng tấn sách không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ sở gia công sau in này thuộc tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Chủ cơ sở là ông Lưu Mạnh Trường, SN 1979, hộ khẩu thường trú tại Thái Bình.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đang cắt xén, đóng gói rất nhiều cuốn sách. Cơ quan chức năng thu giữ được trên 59.000 cuốn sách thành phẩm và trên 3,7 tấn bán thành phẩm với nhiều thể loại, nội dung như sách về tiếng Anh, tin học, công nghệ, truyện tranh… Chủ cơ sở gia công không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Do đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ xuất bản phẩm chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và tạm giữ 3 máy dùng để gia công sau in để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 14-9, Phòng An ninh chính trị nội bộ, CATP Hà Nội cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kiểm tra đột xuất nhà sách Anh Ba, địa chỉ số 7C5 Trần Quốc Hoàn, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy. Đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ gần 3000 cuốn sách nặng hơn 2 tấn, chủ yếu là các đầu sách ngoại ngữ. Tại thời điểm làm việc, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cơ sở xuất trình các hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số sách trên nhưng chủ cơ sở không xuất trình được.

Tháng 5-2020, Phòng An ninh chính trị nội bộ, CATP Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội tiến hành kiểm tra hoạt động của chủ cơ sở gia công sau in Vũ Anh Tú tại địa chỉ số 44 ngõ 441 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã thu giữ khoảng 6 tấn ấn phẩm bao gồm 1,2 tấn sách đã thành phẩm và 4,8 tấn bán thành phẩm sách, với nhiều thể loại, nội dung khác nhau. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở gia công chưa xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc xuất bản, in và gia công sau in đối với các ấn phẩm trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản với chủ cơ sở Vũ Anh Tú, đồng thời tiến thành niêm phong, tạm giữ toàn bộ các ấn phẩm chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.

Thượng tá Ngô Xuân Hải – Phó trưởng phòng PA03 (bên trái) cùng các cán bộ đội 4, Phòng PA03, CATP Hà Nội phối hợp với đội QLTT số 1, CA quận Nam Từ Liêm thực hiện kiểm tra, thu giữ sách không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại cơ sở gia công sau in thuộc tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: An Nhiên

Thượng tá Ngô Xuân Hải – Phó trưởng phòng PA03 (bên trái) cùng các cán bộ đội 4, Phòng PA03, CATP Hà Nội phối hợp với đội QLTT số 1, CA quận Nam Từ Liêm thực hiện kiểm tra, thu giữ sách không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại cơ sở gia công sau in thuộc tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: An Nhiên

Những hệ lụy khôn lường từ sách lậu

Theo thống kê, chỉ tính riêng một đầu sách, cứ 1.000 cuốn sách thật được in ra đã có tới 3.000 cuốn sách giả cũng được in ấn. Điều đáng nói, sách lậu hiện đã đạt trình độ gần như sách thật và chỉ có người trong nghề mới phát hiện được.

Thông thường, các đối tượng làm sách lậu lấy sách thật, sử dụng các thiết bị công nghệ như máy scan, máy photocopy, máy tính để sao chép lại các trang sách. Sau đó các đối tượng chỉnh sửa, có thể phải đánh chữ, đổ màu lại nếu scan bị mờ hoặc nét chữ bị gai, in màu trang bìa, nhằm tái tạo lại sách gốc. Sau đó, chuyển sang các cơ sở in để tổ chức in lậu. Các đối tượng thường phân chia các công đoạn làm sách thực hiện ở địa điểm khác nhau để dễ tẩu tán, tiêu thụ. Sau khi in và hoàn thiện xong, sách lậu được phân tán nhanh về các nơi để tung ra thị trường. Nghiêm trọng hơn, sách lậu giờ đây lại có thêm một con đường để tiêu thụ, chính là các sàn thương mại điện tử - nơi có thể dễ dàng tiếp cận với hàng chục triệu độc giả.

Nhờ in ấn gia công rẻ tiền, không phải trả phí bản quyền cho tác giả, không mất các khoản chi phí khác trong quá trình in ấn, xuất bản như giấy phép, tiền dịch, hiệu đính, biên tập, chế bản, họa sĩ trình bày bìa… nên sách lậu thường được bán rẻ hơn rất nhiều so với giá bán niêm yết trên bìa sách thật (có thể giảm từ 20-50%). Sách lậu được bán với giá rẻ, cộng với người đọc chưa phân biệt được sách thật và sách giả, thích được giảm giá nên thường có thói quen mua sách ở vỉa hè, cơ sở nhỏ lẻ hoặc tìm phiên bản sách điện tử lậu trên internet thay vì đến những cơ sở có uy tín để lựa chọn.

Sách lậu gây ra hậu quả khôn lường đối với sự phát triển của ngành sách cũng như ảnh hưởng đến văn hóa đọc của độc giả. Để một sản phẩm sách đến với độc giả đòi hỏi sự lao động nghiêm túc của cả một tập thể gồm tác giả, nhà xuất bản, bộ phận phát hành… Vấn nạn in ấn, buôn bán sách lậu không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tác giả, nhà xuất bản mà còn khiến cho những nhà làm sách chân chính “ngại” bỏ tiền ra làm sách do sách lậu khiến cho họ bị thua lỗ một số tiền không nhỏ mỗi năm. Để khỏi lỗ hoặc lỗ ít do sách lậu gây ra, các nhà xuất bản sẽ hạn chế số lượng sách xuất bản. Đó là chưa kể những cuốn sách làm giả bị nhòe chữ, chất lượng thấp về nội dung và hình thức khiến cho độc giả khó tiếp nhận hoặc tiếp nhận thông tin sai lệch. Đặc biệt, với sách về giáo dục, y học, việc chữ, số bị nhòe sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Sách là sản phẩm mang tính trí tuệ và truyền tải những thông điệp nhân văn. Vậy nên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần lên án, tẩy chay sách lậu một cách mạnh mẽ hơn. Việc độc giả tìm đến những cơ sở uy tín để mua sách, nói không với sách lậu chính là cách ứng xử văn minh, nhân văn, góp phần đẩy lùi vấn nạn sách lậu, đồng thời xây dựng văn hóa đọc tích cực, văn minh cho chính chúng ta và xã hội. Nhờ đó, những người làm sách chân chính sẽ có cơ hội cống hiến, sáng tạo hết mình để cho ra đời những cuốn sách thật sự ý nghĩa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sách nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-xu-ly-quyet-liet-van-nan-sach-lau-210550.html