Cần xử phạt nghiêm khắc
Sau khi mãn nhãn với màn trình diễn rực rỡ trong đêm khai mạc Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 tối 8-6, nhiều người lại ngán ngẩm với một quảng trường đầy rác.
Điều đáng nói là ngay trước khi sự kiện này diễn ra, lường trước được hành vi kém ý thức của một bộ phận người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, kêu gọi mọi người tránh xả rác, dọn dẹp sạch sẽ sau lễ hội. Ban tổ chức còn bố trí đến 200 thùng rác loại lớn ở khu vực lễ hội nhưng rác vẫn tràn ngập sau khi lễ khai mạc kết thúc. Ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của một số người tham dự lễ hội này quá kém, đáng buồn hơn khi hầu hết trong số đó là các bạn trẻ.
Một năm trước, khi lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa kết thúc thì cả quảng trường cũng ngập tràn rác. Nhiều lễ hội khác cũng tương tự, người tham dự vô tư vui chơi, ăn uống rồi không ngần ngại vứt rác xuống đường, dù ban tổ chức đã bố trí thùng rác ở nhiều nơi. Chuyện xả rác ở các lễ hội, sự kiện văn hóa - xã hội tập trung đông người đã phổ biến đến mức trở thành chuyện bình thường! Nó bình thường đến nỗi không ít bạn trẻ xem việc người khác dọn rác sau lễ hội là một phần của công tác tổ chức.
Chuyện không xả rác, giữ gìn vệ sinh chung thuộc về ý thức hành xử nơi công cộng. Muốn duy trì ý thức này thì phải tuyên truyền, giáo dục; thậm chí chế tài bằng các quy định của pháp luật.
Thực ra, mọi đứa trẻ khi đến trường đều đã được giáo dục ý thức công cộng rất kỹ, nhất là việc giữ vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi. Khi ở trường, trẻ thực hiện nghiêm túc bởi luôn được thầy cô nhắc nhở, thậm chí xử phạt nghiêm khắc. Thế nhưng, khi ở nhà hoặc đến nơi công cộng, không ít trẻ lại thản nhiên vất rác bừa bãi mà không được phụ huynh quở trách hoặc bị cơ quan chức năng chấn chỉnh. Lâu dần, hành vi này sẽ thành thói quen và duy trì thói quen sẽ thành ý thức.
Hô hào, kêu gọi không xả rác nơi công cộng là việc cần thiết nhưng nó không mang lại hiệu quả đối với người kém ý thức. Còn với những người có ý thức tôn trọng môi trường công cộng thì không cần kêu gọi họ cũng thực hiện. Pháp luật hiện hành đã có quy định xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng với mức phạt lên đến vài triệu đồng về hành vi xả rác. Thế nhưng, thực tế đã có bao nhiêu người bị xử phạt? Hãy thử hình dung tại Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, nếu lực lượng chức năng xử phạt vài trường hợp xả rác bừa bãi thì tình hình có lẽ sẽ khác.
Điều nghịch lý là nhiều người rất ngưỡng mộ môi trường công cộng văn minh, sạch đẹp ở các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng khi ở trong nước lại vô tư xả rác. Họ quên rằng để có được môi trường như thế thì ý thức hành xử nơi công cộng phải luôn được duy trì. Hành vi xả rác nơi công cộng ở những nước này bị xử phạt rất nặng, như ở Singapore là 2.000-10.000 SGD (khoảng 34-160 triệu đồng) kèm theo lao động công ích; ở Nhật Bản lên đến 10 triệu yen (hơn 2 tỉ đồng) hoặc phạt tù đến 5 năm…
Ở nước ta, việc kêu gọi, hô hào đã được thực hiện; quy định của pháp luật cũng đã đầy đủ. Vậy thì, ai vi phạm cứ xử phạt nghiêm khắc. Không thể để cả cộng đồng bị ảnh hưởng hay phải chịu đựng mãi với những người kém ý thức.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/can-xu-phat-nghiem-khac-post280891.html