Canada đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp với Việt Nam và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Chiều 26/3, tại trụ sở Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, bà Deidrah Kelly, Giám đốc điều hành Văn phòng Nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp của Canada tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPAAO) và Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil trả lời phỏng vấn báo chí về hợp tác giữa Canada và Việt Nam.
Việc mở Văn phòng Nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp của Canada tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPAAO) tại Manila, Philippines sẽ hỗ trợ các trụ cột kinh tế trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada và thể hiện cam kết sâu sắc với khu vực. Hơn nữa, ngành nông nghiệp giữa Việt Nam và Canada đang được chú trọng nhờ quan hệ thương mại song phương lâu dài và cùng có lợi.
Xin bà cho biết về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Canada sau khi cùng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?
Tiềm năng hợp tác giữa hai nước là vô cùng lớn và sẽ thúc đẩy cán cân thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ.
Thứ nhất, về khía cạnh nông nghiệp, gần đây Việt Nam cho phép nhập khẩu các giống khoai tây của Canada để gieo trồng. Trong hội nghị ở Philippines vừa qua, các nông dân phản hồi rằng sản lượng tăng gấp 10 lần khi sử dụng giống khoai tây của Canada. Tôi tin đó là tín hiệu tốt cho nông dân.
Thứ hai, không chỉ tăng sản lượng nông nghiệp, mà các loại hình sản phẩm mới cũng sẽ được trao đổi, ví dụ như giấm. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ mở rộng kế hoạch hợp tác trong sử dụng giống trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nghiên cứu mới về công nghệ, giải pháp đổi mới sáng tạo của Canada cũng sẽ được giới thiệu đến Việt Nam.
Với việc hợp tác cải thiện chuỗi cung ứng nông nghiệp, đặc biệt là những vấn đề như đa dạng sinh học, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng tương lai xanh và bền vững, Văn phòng IPAAO có ưu tiên ra sao với Việt Nam nói riêng và toàn khu vực nói chung?
Thứ nhất, trọng tâm là tăng cường an toàn thực phẩm và kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng sản phẩm. Tôi mong rằng thông qua các buổi hội thảo chuyên sâu, trao đổi đoàn công tác, hai nước có thể nâng cao nhận thức người dân về nền “nông nghiệp an toàn”.
Thứ hai, chúng tôi muốn chia sẻ kiến thức về ngành nông nghiệp bền vững đến Việt Nam và các nước toàn khu vực. Theo thống kê, Canada có khoảng 10% tổng mức phát thải khí nhà kính đến từ canh tác nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi). Song tổng khí thải của Canada vào bầu khí quyển rất ít bởi chúng tôi đã áp dụng, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp sáng tạo hữu hiệu trong nông nghiệp, nhằm đưa mức phát thải về 0.
Thứ ba, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn cho thú cưng là lĩnh vực khá mới mẻ nhưng sẽ phát triển mạnh bởi động vật cần được xem như thành viên trong gia đình. Canada hiện là nước khá nổi tiếng với việc sản xuất thức ăn thú cưng, do đó chúng tôi mong muốn hỗ trợ và mở rộng sản phẩm này đến thị trường Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.
Thưa bà, các nhà đầu tư ở Canada có ý định mở rộng vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở Việt Nam không?
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau. Canada có hai thể chế giúp các doanh nghiệp trong nước như sau:
Một là, thể chế hợp tác phát triển xuất khẩu, chuyên cung cấp vốn và bảo hiểm cho doanh nghiệp Canada. Trước đây chỉ tập trung đầu tư lĩnh vực hạ tầng, hàng không vũ trụ nhưng sắp tới sẽ tăng cường đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm. Đây sẽ là chất xúc tác cho thương mại song phương, cụ thể là lĩnh vực nông nghiệp.
Hai là, thể chế hợp tác phát triển thương mại, chuyên cung cấp gói hỗ trợ cấp chính phủ nhằm khuyến khích đầu tư và hợp tác giữa hai nước.
Thưa Đại sứ, sắp tới sẽ có những sản phẩm nào dự kiến xuất khẩu sang Việt Nam?
Bên cạnh những mặt hàng đã và đang trao đổi giữa hai nước thì các sản phẩm thịt như lợn, bò, thủy hải sản sẽ được đẩy mạnh giao thương. Tiếp theo là các loại trái cây như táo, các loại quả mọng đã được cấp đông; sản phẩm ngũ cốc, hạt và có thêm sản phẩm cho người ăn chay.