Canada: Khối doanh nghiệp kêu gọi các đảng có chiến lược về khoáng sản

Theo các doanh nghiệp Canada, nước này có nguy cơ bỏ lỡ 'cơ hội lớn' để dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất kim loại cung cấp năng lượng cho loạt sản phẩm, từ điện thoại di động đến ôtô điện.

Các nhà lãnh đạo của 4 chính đảng tại Canada trong cuộc tranh luận ở Montreal, Quebec, ngày 2/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo của 4 chính đảng tại Canada trong cuộc tranh luận ở Montreal, Quebec, ngày 2/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong bối cảnh chiến dịch bầu cử liên bang ở Canada đã đi được hơn nửa chặng đường đến ngày bỏ phiếu 20/9, Phòng Thương mại Canada đang thúc giục các đảng có chiến lược để đưa các khoáng sản quan trọng và các nguyên tố đất hiếm trở thành một phần cơ bản trong quá trình phục hồi kinh tế.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Canada cho rằng, 3 nhân tố gồm tình trạng biến đổi khí hậu, công nghệ phát triển và chiến dịch bầu cử liên bang, đang đem đến một "thời điểm hoàn hảo" để tìm ra giải pháp đưa Canada trở thành cường quốc thế giới trong lĩnh vực sản xuất các khoáng sản quan trọng.

Theo giới doanh nghiệp Canada, nước này có nguy cơ bỏ lỡ “cơ hội lớn” để dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất các kim loại cung cấp năng lượng cho loạt sản phẩm, từ điện thoại di động đến ôtô điện.

Các khoáng chất này cần được đặt vào vị trí trung tâm của những nỗ lực nhằm phát triển nền kinh tế carbon thấp và đối phó với biến đổi khí hậu. Nhu cầu cấp bách hiện nay là Canada cần có một chiến lược kinh tế và thương mại đối với các mỏ khoáng sản quan trọng.

Phòng Thương mại Canada mong muốn các đảng đưa ra các kế hoạch chi tiết để khuyến khích và mở rộng sản xuất trong nước, củng cố các chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương và hợp tác với Mỹ, nơi tham vọng về chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden dựa vào việc khởi động một thị trường xe điện vốn đã rất "nóng."

Canada là nguồn cung cấp chính 13 trong số 35 khoáng sản mà Mỹ xác định là quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của mình. Canada là nhà cung cấp lớn nhất của Mỹ về potash (các khoáng sản chứa kali), inđi, nhôm và têlua; đồng thời cũng nguồn cung cấp niôbi, vônfram và magiê lớn thứ hai cho nước Mỹ.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% sản lượng hàng năm của toàn cầu, vượt xa Mỹ, Myanmar, Australia và Ấn Độ. Trong khi đó, Canada đang sở hữu khoảng 15 triệu tấn ôxit đất hiếm chưa được khai thác. Mark Agnew, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại, phụ trách mảng chính sách và quan hệ chính phủ nhận địn: hiện chưa có đủ nhu cầu từ khu vực tư nhân để kích thích sự phát triển của một ngành công nghiệp đất hiếm non trẻ mà không có sự khuyến khích của chính phủ.

Trong cương lĩnh tranh cử, đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau hứa sẽ sử dụng “khoáng chất trong tầm tay của Canada” để chế tạo pin cho các phương tiện không phát thải và “định vị Canada trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này.” Ngân sách năm 2021 của chính phủ đảng Tự do bao gồm kế hoạch trợ cấp đầu tư cho công nghệ sạch trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và chế tạo, đồng thời giúp mở rộng phát triển và sản xuất xe điện.

Cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ đề xuất lập một quỹ đổi mới trị giá 5 tỷ CAD, một phần trong đó sẽ được dùng để khuyến khích phát triển xe điện, bao gồm cả công nghệ pin, nếu lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole được bầu làm Thủ tướng.

Và nếu nhà lãnh đạo đảng Dân chủ mới (NDP), ông Jagmeet Singh thắng cử, NDP cho biết họ sẽ sử dụng các biện pháp để khuyến khích các gia đình mua xe không phát thải “Made in Canada”, xây dựng thêm các trạm sạc và thành lập một trung tâm nghiên cứu để thúc đẩy những tiến bộ mới trong lưu trữ năng lượng...

Vào tháng 2, Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra “lộ trình” đổi mới quan hệ song phương, bao gồm cam kết đưa Canada và Mỹ trở thành “những nhà lãnh đạo toàn cầu trong mọi khía cạnh của lĩnh vực phát triển và sản xuất pin.”

Tuy nhiên, kể từ đó, cam kết của Mỹ đối với kế hoạch trên đã bị đặt dấu hỏi, đặc biệt là khi Tổng thống Biden đưa ra các quy tắc cứng rắn trong chính sách “Mua hàng Mỹ” và trước thực tế Mỹ vẫn chưa mở cửa biên giới đối với hoạt động đi lại không thiết yếu từ Canada./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/canada-khoi-doanh-nghiep-keu-goi-cac-dang-co-chien-luoc-ve-khoang-san/738608.vnp