Canada: Nhiều thách thức để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Ông Dan Wicklum, đồng Chủ tịch Cơ quan tư vấn Net Zero (NZAB) cho rằng Chính phủ Canada cần triển khai một loạt chính sách công nghiệp để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, những chính sách này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tuân thủ các cam kết khí hậu quốc tế, mà còn để tận dụng các cơ hội kinh tế.
Những nỗ lực của Canada nhằm "trang bị lại" nền kinh tế để đạt được mức phát thải carbon bằng 0 đang bị đe dọa bởi cuộc tranh luận giữa chính phủ liên bang và chính quyền một số tỉnh.
Thủ hiến tỉnh Alberta, Danielle Smith đã lớn tiếng phản đối các kế hoạch của liên bang nhằm cải cách ngành dầu khí để chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang năng lượng ít carbon hơn trong những thập kỷ tới.
Theo bà Smith, chính phủ liên bang đang muốn loại bỏ ngành công nghiệp này và khiến hàng trăm nghìn người ở Alberta mất việc làm dưới "chiêu bài chuyển đổi".
Ông Wicklum nhận định rằng sự xích mích giữa chính phủ liên bang và chính quyền tỉnh là một “thách thức riêng của Canada”, mặc dù các nền kinh tế lớn khác cũng có những rào cản riêng.
Theo NZAB, các tổ chức trung gian độc lập gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, như năng lượng hoặc giao thông vận tải, có thể cung cấp kiến thức, cải thiện luồng thông tin giữa ngành và chính phủ, đồng thời giúp giữ cho các sáng kiến liên quan đến khí hậu không bị các lợi ích thương mại làm chệch hướng và có thể giúp hạ nhiệt các tranh cãi chính trị.
NZAB - được thành lập vào năm 2021 theo Đạo luật trách nhiệm giải trình về phát thải ròng bằng 0 của Canada - đang kêu gọi thành lập một hội đồng lưới điện để tìm cách kiến tạo một hệ thống điện phát thải ròng bằng 0 trên quy mô toàn quốc vào năm 2035.
NZAB khuyến nghị chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình phê duyệt theo quy định, cũng như điều chỉnh lại hoạt động đầu tư của chính phủ, chẳng hạn như Quỹ Đổi mới Chiến lược và Quỹ Tăng trưởng Canada, để tập trung vào các dự án phù hợp với chính sách công nghiệp phát thải ròng bằng 0.
Vấn đề cạnh tranh với Mỹ cũng đã nổi lên như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Canada kể từ khi Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022, với nhiều ưu đãi để thu hồi carbon, phát triển năng lượng tái tạo...
Ông Wicklum cảnh báo Ottawa không nên cố gắng bắt chước các chính sách của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, thay vào đó cần áp dụng cách tiếp cận phát huy thế mạnh công nghiệp và mục tiêu khí hậu của mình./.