Canada sắp phải đưa ra quyết định có loại Huawei khỏi mạng 5G hay không?
Sức ép chính trị đối với Canada đang ngày một lớn ở cả trong và ngoài nước, khi chính phủ đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau sắp phải đưa ra quyết định liệu có cho phép Huawei Technologies tham gia xây dựng mạng di động không dây thế hệ thứ 5 (5G) tại Canada hay không.
TTXVN ngày 3.1.2020 cho biết, tại Canada hiện nay, Huawei của Trung Quốc, Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan là các ứng cử viên tiềm năng để giúp các hãng viễn thông nội địa như BCE và Telus xây dựng mạng 5G.
Đảng Bảo thủ đối lập đang gây sức ép, muốn chính phủ đảng Tự do nói “không” với Huawei, với lý do nếu để Huawei "lọt" vào cơ sở hạ tầng 5G sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc do thám người dân Canada dễ dàng hơn.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng khuyến nghị Canada nên cấm Huawei tham gia mạng 5G với lý do công nghệ này sẽ được sử dụng như “ngựa gỗ thành Troy” để ngầm phá hoại Canada.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Canada - Cong Peiwu đã bác bỏ kiến cho rằng Huawei có thể là mối đe dọa an ninh đối với người sử dụng mạng và gọi đó là “cáo buộc vô căn cứ”.
Huawei luôn nhấn mạnh họ không phải là một doanh nghiệp nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Benjamin Howes - phó Chủ tịch phụ trách mảng truyền thông quốc tế của Huawei Canada khẳng định, sự tham gia của Huawei vào mạng lưới 4G tại Canada cho đến thời điểm này chưa từng dẫn tới bất cứ một sự cố an ninh nào.
Huawei đã đầu tư 650 triệu CAD (hơn 500 triệu USD) vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Canada từ năm 2009, với các cơ sở thí nghiệm đặt tại Ottawa, Toronto, Waterloo, Ont., Montreal và Vancouver.
Vào trung tuần tháng 12.2019, Telefonica Deutschland - nhà mạng lớn thứ hai tại Đức đã công bố lựa chọn Huawei và Nokia là nhà cung cấp thiết bị 5G.
Theo South China Morning Post, cả Huawei và Nokia sẽ có vai trò tương đương nhau trong việc cung cấp thiết bị để triển khai mạng 5G.
Tuy nhiên, quyết định này còn phải chờ được chính quyền Đức cấp phép. Huawei vẫn phải chờ chính quyền Đức thông qua bộ tiêu chuẩn bảo mật cho các thiết bị 5G.
Bộ tiêu chuẩn này đang được xây dựng và các quan chức an ninh có thể sẽ yêu cầu chính quyền Đức thắt chặt quy chuẩn bảo mật, qua đó ngăn cản Huawei cung cấp thiết bị viễn thông cho các doanh nghiệp Đức.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà không muốn loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi danh sách được đấu thầu, miễn là họ đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật.
Còn trong tuyên bố đưa ra ngày 3.11.2019, Huawei cho biết đã sẵn sàng triển khai hạ tầng mạng 5G tại Đông Nam Á. Và 2 quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hứng khởi với kế hoạch 5G của Huawei là Thái Lan và Philippines. Đây cũng là hai đồng minh ý thức hệ của Mỹ tại Đông Nam Á.
Theo tờ Express Tribune thì phía Việt Nam nói rằng đang cân nhắc các lựa chọn thay thế khác như Ericsson và Nokia.
5G được coi là cuộc chạy đua quyền lực giữa 2 cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Từ năm 2018, Mỹ đã nhiều lần gây sức ép lên các nước đồng minh nhằm loại bỏ Huawei khỏi danh sách các công ty được cung cấp thiết bị mạng 5G, đồng thời cảnh báo rằng công nghệ của hãng này bị Chính phủ Trung Quốc lợi dụng cho mục đích gián điệp.
Thi Anh tổng hợp