Canada và Đan Mạch chấm dứt tranh chấp chủ quyền đối với hòn đảo nhỏ ở Bắc Cực

Việc phân chia hòn đảo không có người ở nói trên đã giải quyết bế tắc kéo dài 49 năm qua giữa Canada và Đan Mạch.

Đoàn thủy thủ Đan Mạch cắm cờ trên đảo tranh chấp Hans ở ngoài khơi đảo quốc Greenland, ngày 13/8/2002. Ảnh: THE CANADIAN PRESS/TTXVN

Đoàn thủy thủ Đan Mạch cắm cờ trên đảo tranh chấp Hans ở ngoài khơi đảo quốc Greenland, ngày 13/8/2002. Ảnh: THE CANADIAN PRESS/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 14/6, Canada và Đan Mạch đã chính thức công bố thỏa thuận phân chia đảo Hans ở Bắc Cực, theo đó chấm dứt tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ qua và tạo ra biên giới trên bộ đầu tiên giữa Canada và châu Âu.

Việc phân chia hòn đảo không có người ở nói trên đã giải quyết bế tắc kéo dài 49 năm qua giữa Canada và Đan Mạch. Tại lễ ký kết thỏa thuận ở thủ đô Ottawa, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nêu rõ: “Trong bối cảnh an ninh toàn cầu đang bị đe dọa, điều quan trọng hơn bao giờ hết là Canada và Đan Mạch phải hợp tác với nhau, cùng với các cộng đồng thổ dân, giải quyết những khác biệt giữa các bên theo luật pháp quốc tế".

Đảo Hans nằm giữa đảo Ellesmere của Canada và đảo quốc Greenland - một phần của Vương quốc Đan Mạch. Tranh cãi về chủ quyền đối với hòn đảo này bắt đầu từ năm 1973 khi ranh giới biển được thiết lập giữa Canada và Greenland.

Trong nhiều thập kỷ qua, người Đan Mạch và người Canada đến đảo này bằng máy bay trực thăng để xác nhận chủ quyền, dẫn đến những động thái phản đối qua đường ngoại giao, các chiến dịch trực tuyến và thậm chí người Canada kêu gọi tẩy chay sản phẩm bánh ngọt của Đan Mạch.

Đảo Hans là nơi con người không thể sinh sống, song tình trạng Trái Đất ấm lên đang thúc đẩy hoạt động hàng hải đến Bắc Cực, đồng thời mở ra khả năng đánh bắt cá và thăm dò tài nguyên tại đây. Tuy nhiên, theo chuyên gia về Bắc Cực Michael Byers, hòn đảo trên vô cùng xa xôi nên việc cân nhắc bất kỳ hoạt động quan trọng nào ở đây không hiệu quả về mặt kinh tế.

Cũng theo ông Byers, tranh chấp chủ quyền hòn đảo nhỏ và không quan trọng này hoàn toàn không gây rủi ro đối với quan hệ giữa Canada và Đan Mạch, hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)./.

Hương Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/canada-va-dan-mach-cham-dut-tranh-chap-chu-quyen-doi-voi-hon-dao-nho-o-bac-cuc/247591.html