Cảng biển TPHCM được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt

Đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn. Ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Cảng biển Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thái Lộ

Cảng biển Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thái Lộ

TTXVN đưa tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 442/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định này, cảng biển TPHCM được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Quyết định số 422/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định số 422, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn. Trong số này hàng container từ 46,3 đến 54,3 triệu TEU (đơn quy quy đổi tương đương một container 20 feet, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế và hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt khách). Đây là mức cao hơn đáng kể so với mục tiêu 1.140 đến 1.423 triệu tấn hàng hóa và 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách của Quyết định số 1579/QĐ-TTg.

Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TPHCM).

Hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ, tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ TPHCM để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép (bao gồm khu bến Cái Mép và Cần Giờ), hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TPHCM.

Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện.

Đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2 đến 4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3 %/năm.

Nguyên Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cang-bien-tphcm-duoc-quy-hoach-tiem-nang-thanh-cang-bien-dac-biet/