Căng mình để đủ chỉ tiêu vé Olympic 2024
Khi tháng 5 đã trôi qua nửa, số lượng vé dự Olympic Paris 2024 (Olympic 2024) của thể thao Việt Nam vẫn dừng lại ở con số 10. Khi những cơ hội giành vé ngày càng thu hẹp cũng là lúc các đội thể thao còn cơ hội tranh vé dự Olympic 2024 đang phải căng mình để giúp thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu.
Sốt ruột là đương nhiên
Không chỉ những người làm nghề ở Cục TDTT hay một số Liên đoàn thể thao quốc gia, ngay cả những nhà quản lý thể thao địa phương, trong đó có Hà Nội, cũng lộ rõ sự sốt ruột. Điều đó cũng dễ hiểu khi thời hạn cuối để xác định vé dự Olympic 2024 ngày càng ngắn lại trong khi phía trước vẫn còn 2 vé trực tiếp dự Olympic 2024 cần được chinh phục.
Có như vậy, thể thao Việt Nam mới hoàn thành chỉ tiêu giành 12 vé dự Olympic 2024. Ngay với thể thao Hà Nội đến lúc này cũng chưa có VĐV giành vé dự Olympic 2024. Như thế có nghĩa mức đãi ngộ 17 triệu đồng/tháng trong suốt chu kỳ 4 năm giữa hai kỳ Olympic, áp dụng với VĐV Hà Nội từ tháng 1/2024, vẫn chờ chủ nhân đầu tiên.
Mới đây, hai đội tuyển bóng bàn và vật quốc gia có sự góp mặt của một số VĐV Hà Nội cũng đã kết thúc hành trình chinh phục vé dự Olympic 2024. Trên hành trình ấy, thể thao Hà Nội đóng góp tay vợt Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng ở đội tuyển bóng bàn trong khi đô vật nữ Nguyễn Thị Xuân của Hà Nội cũng là 1 trong 2 đô vật nữ của đội tuyển vật Việt Nam được cử tranh vé dự Olympic 2024 ở cả vòng đấu châu Á cũng như thế giới. Tại vòng loại Olympic 2024 khu vực Đông Nam Á ở môn bóng bàn, trong khi Nguyễn Anh Tú không vượt qua được vòng bảng thì Đinh Anh Hoàng đã vào đến bán kết. Nhưng từng ấy là chưa đủ bởi ở vòng loại này, chỉ tay vợt vô địch từng nội dung cá nhân nam, nữ mới giành vé dự Olympic 2024.
Còn ở đội tuyển vật quốc gia, ngay từ đầu, các HLV đã xác định sẽ cử đô vật của Hà Nội Nguyễn Thị Xuân và đô vật Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Mỹ Trang dự các vòng tranh vé dự Olympic 2024. Các nhà quản lý cũng không đăng ký chỉ tiêu giành vé dự Olympic 2024 để đổi lấy sự đầu tư mạnh tay từ ngành Thể thao. Đơn giản vì họ biết thực lực của đội tuyển trong đó Nguyễn Thị Xuân và Nguyễn Thị Mỹ Trang thuộc diện khả dĩ nhất có thể tạo nên đột phá, bất ngờ. Nhưng cuối cùng, ở cả hai vòng loại châu Á và thế giới để tranh vé dự Olympic 2024 của môn vật, các đô vật Việt Nam đã không thể tạo bất ngờ. Họ đều dừng bước trước những trận tranh vé dự Olympic 2024 dù cũng mang đến diện mạo tích cực hơn ở vòng loại thế giới, đặc biệt về phía đô vật Nguyễn Thị Xuân. Theo phụ trách bộ môn vật (Cục TDTT) Tạ Tùng Đức, màn trình diễn của Nguyễn Thị Xuân với 2 trận thắng, 2 thất bại ở vòng loại thế giới ít nhiều cho thấy sự tiến bộ hơn hẳn so với khi thi đấu tại vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á trước đó. Điều này lại cho thấy sự cọ xát, tích lũy kinh nghiệm từ các giải đấu quốc tế thực sự quan trọng với các đô vật Việt Nam. Họ không có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế do kinh phí hạn hẹp từ đơn vị quản lý như Cục TDTT cũng như Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Họ cũng không đủ giàu để bỏ tiền túi thi đấu quốc tế. Họ cũng không có sự đồng hành liên tục của các doanh nghiệp. Ngay như Liên đoàn vật Việt Nam dù đã ra đời khoảng 5 năm nay nhưng lại chưa để lại dấu ấn trong việc tạo điều kiện về kinh phí giúp đội tuyển vật Việt Nam thi đấu quốc tế nhiều hơn.
Và dù với lý do nào thì đến lúc này, thể thao Việt Nam vẫn mới chỉ giành 10 vé dự Olympic 2024 (môn bắn súng, xe đạp, bơi, cử tạ, boxing, rowing, canoeing, cầu lông), còn thiếu 2 vé so với chỉ tiêu tối thiểu. Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Thái Lan đã giành tới 38 suất chính thức dự Olympic 2024, Indonesia giành 21 suất, Malaysia giành 18 suất...
Còn trông vào đâu?
Từ nay cho đến cuối tháng 6, thể thao Việt Nam chỉ còn vài đội tuyển thi đấu để tranh vé dự Olympic 2024 gồm boxing, thể dục dụng cụ, bắn cung, điền kinh, judo.
Thực tế, nếu tính 2 suất đặc cách dành cho môn bơi, điền kinh thì thể thao Việt Nam cũng sẽ có 12 suất dự Olympic 2024. Nhưng các nhà quản lý thể thao Việt Nam vẫn muốn giành 12 suất trực tiếp thay vì 12 suất tham dự trong đó có 2 suất đặc cách. Giá trị của vé trực tiếp và vé đặc cách hoàn toàn khác nhau nên với người làm nghề, đương nhiên sẽ chọn cách giành vé trực tiếp. Nhưng đến lúc này, mọi chuyện không hề dễ dàng.
Trong số này, đội tuyển judo vẫn được kỳ vọng sẽ giành ít nhất 1 vé thông qua thi đấu tích điểm xếp hạng thế giới. Hiện tại, đội tuyển judo Việt Nam đang nỗ lực tích điểm qua việc dự tối đa các giải quốc tế. Nỗ lực thôi cũng chưa đủ khi sự khốc liệt của các giải đấu quốc tế trong giai đoạn nước rút ngày càng tăng lên. Điều đó, khiến các tuyển thủ Việt Nam chật vật tích từng điểm trên bảng xếp hạng thế giới. Họ cũng hy vọng đến tháng 6, khi Liên đoàn judo thế giới công bố suất dự Olympic 2024 sẽ có tên VĐV Việt Nam.
Trong khi đó, đội tuyển thể dục dụng cụ chỉ có hy vọng giành vé dự Olympic 2024 thông qua kết quả trong nội dung toàn năng cá nhân nam tại giải vô địch châu Á sắp tới. Còn điền kinh Việt Nam dù mong manh cơ hội giành vé trực tiếp nhưng vẫn tập trung đầu tư vào tổ tiếp sức 4x400m nữ. Các tuyển thủ của tổ nội dung này sẽ thi đấu tối đa các giải quốc tế trong tháng 5, tháng 6 nhằm cải thiện thông số chuyên môn, từ đó hy vọng lọt vào nhóm 16 đội mạnh nhất thế giới của nội dung này, cũng là những đội giành vé dự Olympic 2024. Hiện tại danh tính 14 đội dự Olympic 2024 đã được xác định và khả năng cao là nhóm 4x400m nữ Việt Nam không thể đánh chiếm được vị trí thứ 16.
Còn đội boxing Việt Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu giành thêm suất Olympic 2024 tại giải vòng loại Olympic 2024 sắp tới tại Thái Lan. Đội cử các tay đấm nữ và nam cùng dự giải trong đó có cả Nguyễn Văn Đương – từng tham dự Olympic Tokyo 2020. Dù vậy, chính người trong cuộc cũng dè dặt nói về cơ hội giành vé dự Olympic 2024 do ở vòng loại này, cũng là vòng cuối tranh vé đến Paris, tập trung nhiều võ sĩ mạnh của thế giới. Với đội bắn cung, cơ hội giành vé dự Olympic 2024 cũng chông chênh và chỉ chờ vào sự tỏa sáng đúng lúc của các tay cung. Như người trong cuộc nhận định thì khả năng giành vé của các tay cung Việt Nam chỉ là 50-50.
Tất cả chỉ cho thấy, hành trình giành thêm 2 vé trực tiếp tham dự Olympic 2024 của thể thao Việt Nam sẽ đầy chông gai.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/cang-minh-de-du-chi-tieu-ve-olympic-2024-i731334/