Căng mình phòng, chống cháy rừng

Những ngày qua, trên địa bàn Đồng Nai đã xuất hiện vài cơn mưa nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài trong nhiều tháng liền.

Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cùng người dân dọn dẹp thực bì phòng, chống cháy rừng. Ảnh: CTV

Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cùng người dân dọn dẹp thực bì phòng, chống cháy rừng. Ảnh: CTV

Theo dự báo, thời tiết nắng nóng vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Do vậy, các lực lượng chức năng trong tỉnh vẫn phải ngày đêm căng mình làm nhiệm vụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng.

* Làm việc gấp đôi so với ngày thường

Vào rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) trong mùa nắng gắt dễ bắt gặp hình ảnh trên những chòi canh cao chót vót luôn có người ngồi từ sáng sớm cho đến tối. Nhiệm vụ của họ là canh trực, phát hiện đám khói bốc lên từ những cánh rừng để báo cho đơn vị kiểm lâm đến xử lý kịp thời. Còn bên dưới mặt đất, những kiểm lâm viên với chiếc xe máy và bình xịt chữa cháy thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra, chốt trực phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Công việc mùa khô rất nhiều nên lực lượng kiểm lâm phải làm việc gấp đôi so với ngày thường.

Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Ngọc Phượng cho biết, hiện tổng diện tích có rừng và đất chưa có rừng trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu là trên 74 ngàn hécta. Diện tích lớn, địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trong khi biên chế lực lượng kiểm lâm còn mỏng đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 399 vụ cháy rừng, gây ảnh hưởng đến hơn 985 hécta và làm 12 người tử vong, 6 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng.

Hơn nữa, dân cư sinh sống trên diện tích rừng tự nhiên, phân bố rải rác thành từng cụm, đa phần trình độ học vấn thấp, không có tay nghề, thiếu việc làm. Nhận thức của người dân còn những mặt hạn chế, vẫn còn tình trạng canh tác nương rẫy không tập trung và chưa được quy hoạch chặt chẽ. Mùa khô cũng là mùa làm nương của đồng bào dân tộc thiểu số và việc họ sử dụng lửa để đốt dọn nương dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan vào rừng.

“Hiện nay, khối lượng công việc liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR rất nhiều và chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nỗ lực phối hợp cùng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, công an, quân đội ngày đêm làm nhiệm vụ với quyết tâm giữ gìn sự bình yên của những cánh rừng” - ông Phượng bộc bạch.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Phú Triệu Mạnh Tùng cho hay, trong nhiều tháng qua, thời tiết trên địa bàn huyện khô nóng gay gắt, thảm thực bì khô dưới tán rừng nhiều nên nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao. Do vậy, Hạt Kiểm lâm huyện đã sớm tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện Tân Phú yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cùng triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; vận động người dân không đưa các vật liệu gây cháy, không xử lý thực bì, đốt nương, dọn rẫy tại các khu vực gần rừng, ven rừng trong thời gian cao điểm mùa khô; chủ động kiểm tra bảo dưỡng, mua sắm dụng cụ PCCCR, bảo đảm vật tư, trang thiết bị, hậu cần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Hạt Kiểm lâm huyện Tân Phú đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào rừng tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo kiểm lâm viên phụ trách địa bàn tham mưu UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Đồng thời, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ nhằm kịp thời phát hiện, khống chế nhanh các tình huống cháy rừng không để cháy lan, cháy rộng.

* Quyết tâm giữ được rừng

Theo Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Tô Thế Mạnh, trên địa bàn vừa xuất hiện cơn mưa nhưng lượng mưa không đủ làm giảm nhiệt trước tình hình nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng. Hiện thời tiết khắc nghiệt vẫn đang diễn ra.

Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có quy định rõ việc xử phạt hành chính đối với người có hành vi cố ý gây cháy rừng, đốt rừng. Ngoài ra, tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định hành vi gây cháy rừng có thể được xem là tội hủy hoại rừng và người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm…

Với quyết tâm giữ được rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã tăng cường lực lượng canh trực, kiểm soát cả ngày lẫn đêm từ mặt đất cho đến chòi canh lửa. Đơn vị tổ chức các buổi tuyên truyền, nhắc nhở người dân cẩn thận trong việc sử dụng lửa nhằm đảm bảo an toàn trong PCCCR. Đồng thời, tiếp tục khảo sát những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy để xử lý thực bì kịp thời; kiểm tra nguồn nước từ các ao, hồ, giếng khoan trên địa bàn và các vùng lân cận nhằm đưa vào phục vụ công tác PCCCR; thường xuyên kiểm tra phương tiện bảo dưỡng và luôn đặt trong tâm thế sẵn sàng tác chiến.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho rằng, thời tiết mùa khô 2023-2024 cực đoan hơn rất nhiều so với những năm gần đây. Trời nắng nóng, khô hanh kéo dài hơn 5 tháng khiến cho nhiều cây khô héo vì thiếu nước. Bên cạnh đó, rừng năm nay có nhiều cây ươi ra trái và nhiều mật ong rừng, dẫn đến tình trạng người dân đổ xô vào rừng thu hái lâm sản, lấy mật ong. Điều này đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

“Những mùa khô trước, anh em kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phân chia nhau trực luân phiên để tranh thủ về thăm gia đình. Còn mùa khô năm nay, ngành lâm nghiệp phải huy động tối đa lực lượng để “căng mình” giữ rừng, thậm chí các dịp lễ, Tết hay cuối tuần cũng không được nghỉ. Chúng tôi rất thấu hiểu đặc thù của nghề giữ rừng nên thường động viên tinh thần anh em cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao” - ông Lê Văn Gọi cho hay.

Không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống cháy rừng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR là trách nhiệm quan trọng, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là trong bối cảnh dự báo tình hình thời tiết tiếp tục có diễn biến bất thường.

Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương; Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia bảo đảm việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết kịp thời, chính xác.

Đồng thời, Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và thực hiện có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR…

An Nhân

Cũng theo ông Lê Văn Gọi, vừa qua, nhiều địa phương trong cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài nguyên rừng; còn công tác PCCCR ở Đồng Nai đến thời điểm này vẫn đảm bảo. Để được như vậy, Đồng Nai đã chú trọng đến công tác phòng là chính, tức là ngay từ đầu mùa khô đã sớm triển khai các phương án PCCCR. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn quan tâm đến phương án diễn tập PCCCR. Chương trình này đã giúp cho lực lượng liên ngành (kiểm lâm, chuyên trách bảo vệ rừng, quân sự, công an…) nắm vững về kỹ năng phối hợp với nhau; trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong PCCCR. Đặc biệt, Đồng Nai thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) nên khi phát hiện đám cháy là lực lượng có mặt kịp thời để dập tắt lửa.

“Chính nhờ sự chuẩn bị tốt các phương án đã giúp cho việc không chế đám cháy mang lại hiệu quả cao. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh có xảy ra vài đám cháy do người dân đốt thực bì, dọn dẹp nương rẫy và đã được phát hiện, dập tắt kịp thời nên mức độ thiệt hại đến rừng không đáng kể. Công tác PCCCR hiện vẫn đảm bảo” - ông Lê Văn Gọi chia sẻ.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/cang-minh-phong-chong-chay-rung-9f16098/