'Càng nổi tiếng, càng phải có ý thức trách nhiệm'

Liên quan vụ Hoa hậu Thùy Tiên, Trung tướng, ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho hay, pháp luật luôn công bằng, người nổi tiếng càng phải có ý thức trách nhiệm xã hội.

Hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, đặc biệt khi nhiều vụ việc liên quan đến sản phẩm kém chất lượng, thông tin sai lệch bị phanh phui, trong đó có vụ việc của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên. Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, Trung tướng, Đại biểu Quốc hộiNguyễn Minh Đức đã bày tỏ quan điểm về sự việc.

 Trung tướng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức. Ảnh: Phạm Thắng.

Trung tướng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức. Ảnh: Phạm Thắng.

Quảng cáo "bất chấp" và khoảng trống pháp lý

Phóng viên: Thưa Đại biểu, gần đây có nhiều trường hợp người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm mà dường như "bất chấp" chất lượng, chỉ vì quyền lợi cá nhân. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Hiện nay, các cơ quan chức năng đang siết chặt quản lý vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị bổ sung quy định vào dự luật quảng cáo, đặc biệt là siết chặt đối với người nổi tiếng.

Thực ra, lâu nay luật pháp của chúng ta chưa thực sự rõ ràng, hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến hai trường hợp. Một là, có những người cố tình lợi dụng danh tiếng của mình, hoặc doanh nghiệp muốn khai thác triệt để danh tiếng đó để quảng bá sản phẩm. Cộng thêm vào đó là tâm lý đám đông của người tiêu dùng, thấy người nổi tiếng quảng cáo thì tin theo.

Trường hợp thứ hai, và đây là điều chúng ta cần lưu ý, nếu luật pháp được siết chặt, thì khi bất kỳ ai, đặc biệt là người nổi tiếng, ký hợp đồng quảng cáo, họ phải có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng sản phẩm, quy chuẩn, tiêu chuẩn, giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Hợp đồng quảng cáo phải có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ giữa bên thuê và người thực hiện quảng cáo. Nếu hợp đồng chặt chẽ, có điều khoản ràng buộc thì khó có thể vi phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế, có thể các quy định trong hợp đồng ràng buộc trách nhiệm chưa đầy đủ. Chính vì thế, đôi khi người nghệ sĩ, người nổi tiếng vô hình trung không hiểu hết, mà chỉ nói theo cảm xúc.

Càng người nổi tiếng càng phải giữ "liêm sỉ"

Phóng viên: Vậy theo ông, đâu là mấu chốt để chấn chỉnh tình trạng này, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật?

ĐB Nguyễn Minh Đức: Ranh giới ở đây phải rất rõ ràng. Nói chung, khi đã tham gia vào bất kỳ "cuộc chơi" nào, đều phải có hành lang pháp lý, và người tham gia phải hiểu biết pháp luật. Đây cũng là lý do tại sao ở các nước trên thế giới, người ta rất coi trọng hai yếu tố tạo nên trật tự xã hội: ý thức xã hội và ý thức pháp luật.

Nếu mỗi công dân đều có ý thức, tự thấy xấu hổ với những hành vi vi phạm pháp luật, dù nhỏ như nói to nơi công cộng, vứt rác bừa bãi, hay đi đứng không nhường đường, những hành vi thiếu văn hóa... thì xã hội sẽ khác. Ví dụ, ở một số nơi, việc ngồi trên xe buýt không nhường chỗ cho phụ nữ có thai, người già đã bị coi là đáng xấu hổ, bị nhiều ánh mắt nhìn vào lên án. Hay việc nhìn chằm chằm vào một một người ăn mặc gợi cảm cũng có thể nhận những ánh mắt phản đối. Đó là thói quen văn hóa…

Phóng viên: Vậy ở góc độ người nổi tiếng, khi họ đã có uy tín và sức ảnh hưởng, trách nhiệm của họ cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Khi đã nổi tiếng, tức là được có uy tín đối với xã hội, đối với cộng đồng, thì càng phải thể hiện “liêm sỉ” của mình nhiều hơn. Xã hội luôn công bằng và pháp luật luôn công bằng với mọi người. Cần phải hiểu rằng, một câu nói, một hình ảnh của người nổi tiếng cực kỳ khác biệt so với người không nổi tiếng. Người không nổi tiếng làm gì có khi chẳng ai để ý, nhưng người đã nổi tiếng rồi, chỉ một cử chỉ, một hành vi nhỏ cũng bị chú ý. Hôm qua anh xuất hiện rất đẹp, hôm nay mặt anh không vui người ta cũng đã để ý.

Ai cũng đều hiểu về áp lực "miếng cơm manh áo", khi một người cố gắng tạo dựng danh tiếng để có nhiều hợp đồng, thu nhập hơn là điều dễ hiểu và chính đáng. Nhưng việc làm giàu đó phải thực hiện trong khuôn khổ quyền mà nhà nước và pháp luật cho phép, đồng thời phải đi đôi với nghĩa vụ. Khi đã là người nổi tiếng, có ảnh hưởng, càng phải có ý thức tốt hơn.

Hoàn thiện luật pháp để "siết chặt" và hướng dẫn cụ thể

Phóng viên: Trong các cuộc thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến cho rằng ngay cả cơ quan nhà nước đôi khi cũng khó kiểm tra hết chất lượng sản phẩm. Vậy làm sao người nổi tiếng có thể tự mình kiểm tra, thưa Đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Đây lại là câu chuyện xoay quanh vấn đề ý thức. Giả sử trước mặt cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra ngay lúc đó, hoặc ngay từ khi đăng ký, có thể mọi thứ đều đầy đủ, đúng quy chuẩn. Nhưng sau khi đoàn kiểm tra đi, nếu ý thức không tốt, vẫn có tư tưởng trục lợi, gian dối, thì họ lại có thể làm sai.

Nếu không có ý thức của tất cả mọi người, rất khó để yêu cầu cơ quan chức năng, cán bộ công vụ có thể giám sát 24/24 giờ. Nếu cứ kiểm tra liên tục thì doanh nghiệp lại kêu ca bị làm phiền. Điều này rất khó nếu mỗi cá nhân không có ý thức đầy đủ.

Phóng viên: Vậy theo ông, việc sửa đổi luật sắp tới cần tập trung vào những điểm nào để thực sự "siết chặt" và tạo ra sự thay đổi tích cực?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Tôi cho rằng, sau khi Luật Quảng cáo (sửa đổi) được thông qua, ban hành, cần phải có những quy định và thông tư hướng dẫn rất cụ thể đối với từng loại một. Đối với những loại mặt hàng, sản phẩm nào mà nếu việc quảng cáo (dù là của người nổi tiếng hay bất kỳ ai) dẫn đến tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, đến sức khỏe cộng đồng, thì phải có những quy định chi tiết và chế tài nặng hơn so với quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa thông thường khác. Điều này cần phải được phân loại rất cụ thể.

Đó là lý do tại sao tư tưởng làm luật hiện nay rất quan trọng. Luật do Quốc hội ban hành chỉ mang tính khung, định hướng chung. Chính phủ, với vai trò là cơ quan hành chính và hành pháp, phải căn cứ vào từng loại hình quản lý cụ thể, với những chi tiết cụ thể, để ban hành các nghị định, thông tư sao cho sát với thực tế. Các văn bản này phải đưa ra hướng dẫn để người ta tuân thủ, đồng thời có quy định chặt chẽ về việc xử lý, áp dụng những chế tài xứng đáng đối với các vấn đề vi phạm. Việc sửa đổi cần hướng đến sự linh hoạt hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Mai Loan (thực hiện)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/cang-noi-tieng-cang-phai-co-y-thuc-trach-nhiem-post1543175.html