Từ vụ TikToker Võ Hà Linh bị tố giảm giá sâu: Bán phá giá là gì, có vi phạm pháp luật?
Bán phá giá sẽ không bị xử lý nếu bán giá rẻ do khuyến mãi, xả hàng, giảm giá hợp pháp theo quy định (Luật Giá, Luật Thương mại); không gây rối loạn thị trường, không làm thiệt hại rõ rệt đến các chủ thể khác...
Chiều 22-5, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết đã ban hành văn bản chỉ đạo Đội Quản lý thị trường tiến hành thẩm tra, xác minh hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hà Linh Official (trụ sở tại TP Thủ Đức, TP.HCM) để làm rõ phản ánh của người tiêu dùng về dấu hiệu bán phá giá của doanh nghiệp này.
Trước đó, cuối tháng 3, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét các hoạt động bán hàng của KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng), trong đó có TikToker Võ Hà Linh.
Từ câu chuyện này, nhiều bạn đọc thắc mắc: Hành vi bán phá là gì, gây nguy hại cho thị trường thế nào và sẽ bị pháp luật chế tài ra sao?

Luật sư THÁI THANH VÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Theo Từ điển tiếng Việt thì phá giá là động từ chỉ hành động giảm giá sản phẩm hoặc dịch vụ một cách mạnh mẽ, nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Khái niệm này thường xuất hiện trong bối cảnh thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh, nơi mà các doanh nghiệp tìm mọi cách để thu hút khách hàng, bao gồm cả việc giảm giá sản phẩm xuống mức thấp hơn so với giá trị thực của chúng.
Theo khoản 6 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018, cấm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
Theo Luật Cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Như vậy, hành vi bán phá giá hàng hóa (trong nước) được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, theo Luật Cạnh tranh. Nếu việc bán hàng với giá thấp được xác định là gây thiệt hại hoặc có khả năng loại bỏ các doanh nghiệp kinh doanh cùng loại sản phẩm, nhắm tới độc quyền hoặc kiểm soát thị trường về lâu dài thì người bán hàng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Căn cứ Điều 21 Nghị định 75/2019, tổ chức có hành vi bán phá giá nhằm loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó thì bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng.
Đối với hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì mức phạt tiền gấp hai lần tương đương từ 1,6 - 2 tỉ đồng.
Ngoài ra, tổ chức có hành vi bán phá giá thì bị tịch thu tang vật, phương tiện và tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi bán phá giá.
Mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
Trường hợp nào bán phá giá nhưng không bị xử phạt?
Lưu ý, trong trường hợp xử lý hành vi bán phá giá với doanh nghiệp thì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có hành vi bán phá giá nhằm phá hoại trật tự thị trường, làm thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Nếu chỉ là mức giá thấp cạnh tranh trong hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan quản lý thị trường có thể nhắc nhở, cảnh cáo...
Sẽ không bị xử phạt khi bán phá giá nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bán giá rẻ do khuyến mãi, xả hàng, giảm giá hợp pháp theo quy định (Luật Giá, Luật Thương mại).
- Giá thấp nhưng không gây rối loạn thị trường, không làm thiệt hại rõ rệt đến các chủ thể khác.
- Không thuộc diện quản lý đặc biệt như hàng bình ổn giá hoặc chịu quản lý giá của nhà nước.