Cảng Quy Nhơn giữ vai trò cầu nối quan trọng
Với việc hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai (cũ) với Bình Định thành tỉnh Gia Lai, kinh tế biển sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và là ngành mũi nhọn của địa phương. Và, cảng Quy Nhơn giữ vai trò cầu nối quan trọng trong khu vực.
Ngày 27-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Thông tin này lập tức lan tỏa khắp thế giới, trước tiên là các hãng tàu biển, mạng lưới thương mại toàn cầu… Có điều này là bởi tuyến cao tốc ấy sẽ kéo cả một vùng kinh tế rộng lớn từ Đông Bắc Campuchia-Thái Lan, Nam Lào và Tây Nguyên gần hơn, nhanh hơn với thị trường quốc tế thông qua các cảng ở khu vực Quy Nhơn. Và cảng Quy Nhơn, cảng lâu đời nhất ở khu vực này được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đặt dưới lăng kính quan sát của mình.

Cảng Quy Nhơn là một trong không nhiều các cảng biển ở Việt Nam có lịch sử lâu đời. Ảnh: Nguyễn Dũng
1. Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến cao tốc kể trên dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu kết nối quốc lộ 19B (phường Bình Định) và điểm cuối nối với đường Hồ Chí Minh (đoạn qua phường Pleiku). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2025 và hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2029. Khi đưa vào hoạt động, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm Quy Nhơn đến Pleiku từ khoảng 4 giờ còn 2 giờ, đồng thời khắc phục khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm khi lưu thông qua các đèo An Khê, Mang Yang.
FreightAmigo-một nền tảng logistics kỹ thuật số, chuyên cung cấp dịch vụ đặt chuyến vận chuyển hàng hóa trực tuyến, nhận định: Việc cải thiện kết nối đường bộ và đường sắt đến cảng Quy Nhơn rất quan trọng, nó giúp nâng cao hiệu quả, tăng sức hấp dẫn của nó đối với các hãng tàu biển, đồng thời giúp cảng này chia bớt một phần hàng hóa vốn vẫn dồn ở các cảng lớn như tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng.
Tương tự, Global Highways-một website tin quốc tế về hạ tầng có trụ sở ở Anh-nhận xét rằng tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku là một phần của chiến lược mở rộng hạ tầng cao tốc nhằm tăng liên kết vùng, xúc tiến thương mại xuyên biên giới, đặc biệt khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion-GMS).
Thật ra trong những năm qua, cả Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu, tư vấn cấp Chính phủ về vấn đề tăng tốc lưu thông hàng hóa từ Tây Nguyên về Quy Nhơn bằng cách nâng cấp QL 19 hiện có, làm đường cao tốc. Các chuyên gia và hãng logistics quốc tế đánh giá rất cao việc đầu tư làm đường cao tốc bởi nó sẽ giúp tăng tốc vận chuyển, cân bằng giao thương giữa các cảng lớn, mở rộng phạm vi khai thác cho cảng Quy Nhơn.
Đặc biệt, chuyên gia của các hãng tàu như Maersk, Evergreen, Samudera đánh giá cao sức tác động của tuyến đường cao tốc lên cảng Quy Nhơn. Hơn thế nữa, nhờ đó có thể phát huy tối đa tiềm năng của các cảng biển ở khu vực Quy Nhơn. Tại khu vực cảng Quy Nhơn hiện có 6 hãng tàu quốc tế đang khai thác, cung cấp dịch vụ thường xuyên-PIL, Evergreen, Maersk, Samudera, CNC Line, Interasia. Và các DN này đều đón nhận thông tin về dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku hết sức tích cực.

Chuyên gia của các hãng tàu như Maersk, Evergreen, Samudera… đánh giá cao sức tác động của tuyến đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku lên cảng Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Dũng
2. Từ xa xưa, nền hải thương Á châu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á có vị trí vô cùng quan trọng-một trung gian điểm kết nối thị trường Đông và Đông Bắc Á với thị trường Nam và Tây Á, nổi bật trong hệ thống thương cảng kết nối ấy là cảng Thị Nại (thế kỷ X -XV), cảng Nước Mặn (thế kỷ XVII - XVIII). Ngay sau khi chiếm Việt Nam, thực dân Pháp đã buộc triều đình Huế phải mở cửa Thị Nại (Quy Nhơn), cửa Ninh Hải (Hải Phòng), thành Hà Nội và Sông Hồng cho người ngoại quốc vào buôn bán.
Vị trí và vai trò khá đặc biệt của thương cảng Thị Nại (Thi lỵ bì nại, Tân Châu…) đã sớm được ghi chép khá nhiều trong các thư tịch cổ của Đại Việt và Trung Hoa. Kinh thế đại điển tự lục đã chép về cảng Thị Nại - “cửa cảng ở phía Bắc liền với biển, bên cạnh có 5 cảng nhỏ thông với Đại Châu của nước ấy, phía Đông Nam có núi ngăn, phía Tây có thành gỗ”. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép về thương cảng này: “Tỳ Ni bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn… chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là chỗ bến tàu xung yếu”. Đến thời nhà Minh, sách Doanh Nhai Thắng lãm chép: “Chiêm Thành có cửa biển gọi là Tân Châu, bờ cũng có tháp đá làm mốc, thuyền đến đấy thì buộc vào, có trại gọi là Thiết Tỉ Nại”.
Thương cảng Thị Nại của Vương quốc Champa đã trở thành một điểm đến quen thuộc của các thương thuyền trên tuyến hải thương khu vực, là trung tâm liên khu vực, kết nối các trung tâm thương mại lớn của khu vực và quốc tế.
3. Từ đầu thế kỷ XVII, cảng thị Nước Mặn thu hút nhiều thương nhân, giáo sĩ nước ngoài tới đây. Borri, một linh mục đến Đàng Trong năm 1618 nhận xét: Đàng Trong bấy giờ có hơn 60 cửa biển, sầm uất nhất là Hội An, quan trọng thứ nhì là Cửa Hàn và Nước Mặn. Cảng Nước Mặn không chỉ giao thương với các cảng thị lớn Đàng Trong: Thanh Hà, Đà Nẵng, Hội An, Cam Ranh, Gia Định, mà còn có đường hàng hải quốc tế đi Vuconva, Luzon (Philippines), Malacca (Malaysia), Ma Cao (Trung Quốc).
Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, dưới thời các chúa Nguyễn, Quy Nhơn là phủ có số lượng thuyền vận tải nhiều nhất của xứ Đàng Trong. Với số lượng thuyền vận tải nhiều hơn các phủ, châu khác đã nói lên sự sôi động trong giao thương vận chuyển hàng hóa đường thủy cũng như sự sầm uất của thương cảng phủ Quy Nhơn lúc bấy giờ.
Pierre Poivre đã đánh giá cao vai trò Nước Mặn: “Tại tỉnh Quy Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn là một cảng tốt, an toàn được thương nhân lui tới nhiều nhưng kém hơn FaiFo”. P.B Lafont chép: “Trong các thế kỷ XVII-XVIII, so với các cảng khác ở Đàng Trong chỉ cảng BiNai và Cam Ranh thuyền buôn phương Tây và Malaysia, một số nước khác đến buôn bán thường xuyên hơn”. Nhận xét của thương nhân, nhà nghiên cứu phương Tây, cho thấy họ đã đánh giá cao vai trò của cảng Thị Nại-Nước Mặn trong hệ thống thương cảng Đại Việt lúc bấy giờ.
4. Vào đầu thế kỷ XIX, thương nhân người Hoa xuất hiện nhiều trên bến cảng Quy Nhơn, họ là những thương nhân, thuyền nhân từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam… và quá trình buôn bán diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở những năm 40 của thế kỷ XIX. Theo thống kê không đầy đủ trong Châu Bản triều Nguyễn đã có 46 thuyền buôn Trung Quốc đến Thị Nại từ những năm 1825-1851. Các tài liệu ghi chép về Bình Định đều thừa nhận: Từ thời Minh Mạng (1820-1841), Quy Nhơn là một thương cảng lớn và có tầm vóc quốc tế, nhất là hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và nước ta.
Người Pháp sớm thấy được vị trí quan trọng của cửa Thị Nại, nhất là khi tiến hành khai thác thuộc địa ở miền Trung, Tây Nguyên và cả Đông Dương. Năm 1876, người Pháp chính thức khai thương cảng Quy Nhơn, mở ra một thời kỳ giao lưu buôn bán với các nước Tây Âu và khu vực Đông Nam Á. Hệ thống cầu cảng, kho chứa, hải đăng được người Pháp xây dựng và thường xuyên nạo vét luồng lạch, đặt phù tiêu để hướng dẫn tàu vào cảng.
Năm 1929, Chính quyền Đông Dương thành lập tổ chức Inspection générale des travaux publics (Đội chỉnh lưu các cảng, tổng thanh tra các công trình công cộng) khảo sát nghiên cứu đánh giá và đề ra các giải pháp cải tạo các luồng cảng. Theo đó, để tàu có trọng tải lớn vào sâu trong đầm Thị Nại, cảng Quy Nhơn được khảo sát lập dự án và thiết kế cải tạo, nâng cấp năm 1930 với các hạng mục: Xây dựng bờ kè chắn sóng, cầu tàu, kho bãi, tạo vũng tàu đậu, thiết lập đường sắt, nạo vét và bắn đá mở rộng luồng vào cảng cho tàu có mớn nước 7,5 m vào, khoản đầu tư này là 1,5 triệu đồng - bấy giờ là một khoản đầu tư khổng lồ. Ngày nay, cảng Quy Nhơn là một trong 10 cảng biển lớn của Việt Nam, có lượng hàng hóa thông qua cảng liên tục tăng trưởng nhanh, ổn định trong hàng chục năm qua.
***
Việt Nam nằm án ngữ các tuyến hải hành huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, các cảng ở khu vực Quy Nhơn mà động lực cốt lõi là cảng Quy Nhơn giữ vai trò cầu nối quan trọng.
Với việc hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai (cũ) với Bình Định thành tỉnh Gia Lai, kinh tế biển sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Cùng với thông tin về dự án cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, những dự án lớn gần đây mà tỉnh Bình Định đã thu hút được càng tiếp thêm nhiều động lực biến tỉnh Gia Lai thành một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Và như thế các cảng ở khu vực Quy Nhơn càng thêm hấp dẫn với các hãng tàu trên thế giới.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cang-quy-nhon-giu-vai-tro-cau-noi-quan-trong-post560283.html